Thùng chứa chất thải của F0 phải có dấu hiệu cảnh báo, nhận biết

10:01 | 20/03/2022
Đơn vị thu gom chất thải phối hợp với chính quyền cấp xã bố trí, trang bị thùng chứa chất thải của F0. Thùng chứa phải có dấu hiệu cảnh báo, nhận biết theo quy định của Bộ Y tế để phân biệt với thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt.
Xử lý chất thải theo hướng tái chế, tái sử dụng biến thành năng lượng Để không bị lây chéo từ rác thải Hà Nội: Kiểm soát, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại nhà đối với người nhiễm Covid-19

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) vừa ban hành công văn hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý chất thải của F0 điều trị tại nhà.

Theo hướng dẫn, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh của F0 đang cách ly tại nhà phải được quản lý như chất thải lây nhiễm, phân loại riêng biệt với chất thải sinh hoạt của người không nhiễm Covid-19 và thu gom theo hướng dẫn tại Công văn 922/BYT-MT ngày 27/02/2022 của Bộ Y tế.

Cụ thể, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

Thùng chứa chất thải của F0 phải có dấu hiệu cảnh báo, nhận biết
Thùng đựng chất thải của F0 phải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2" (ảnh: VGP)

Với các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0, thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tại địa phương phối hợp với chính quyền cấp xã, đơn vị quản lý hạ tầng khu vực nhà chung cư, cao tầng, khu đô thị và các tổ dân phố, cụm dân cư, Tổ Covid cộng đồng, các tổ chức đoàn thể tại địa phương,... thực hiện biện pháp thu gom chất thải về điểm tập kết tại địa phương để chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm.

Điểm tập kết chất thải của F0 tại địa phương do UBND cấp xã quy định. Đồng thời, UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải để xác định vị trí, thời gian thu gom và quy mô tiếp nhận, hạn chế hoạt động vào giờ cao điểm.

Đơn vị thu gom chất thải phối hợp với chính quyền cấp xã bố trí, trang bị thùng chứa chất thải của F0. Thùng chứa phải có dấu hiệu cảnh báo, nhận biết theo quy định của Bộ Y tế để phân biệt với thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết; đảm bảo cứng, vững, có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài trong quá trình lưu giữ, vận chuyển và đặt tại nơi cao ráo, không ngập nước...

Bộ TN - MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các đơn vị đang thực hiện thu gom chất thải sinh hoạt và các lực lượng khác tại địa phương (Tổ Covid cộng đồng, các tổ chức đoàn thể tại địa phương,...) để bố trí phương tiện phù hợp để thu gom riêng chất thải y tế lây nhiễm với chất thải sinh hoạt.

Người tham gia vận chuyển chất thải phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện theo đúng hành trình vận chuyển, khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần vận chuyển và các quy định khác về phòng, chống dịch bệnh.

Về xử lý chất thải, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều tiết việc xử lý chất thải F0 tại các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Việc xử lý chất thải F0 phải đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường.

“Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương tăng cường các biện pháp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về thu gom, khử khuẩn cho người dân”, Công văn nêu rõ.

Mới đây, Bộ TN - MT đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, cho biết trong cả nước hiện có 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế và Bộ chưa nhận được báo cáo về tình trạng quá tải của các cơ sở xử lý ở các địa phương.

Tại một số tỉnh, thành phố, do số lượng người nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà gia tăng nhanh nên khó khăn trong thu gom, xử lý chất thải phát sinh và thực tế việc phân loại, xử lý rác thải của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc.

Trong thực tế, nhiều F0 điều trị tại nhà cho biết, rác thải của họ được người thân thu gom vào túi rác của gia đình và để tại cổng, ngõ hoặc bỏ vào khu vực đổ rác (với nhà chung cư) để xe chở rác thu gom như bình thường.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này