Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Công đoàn: Đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động

17:59 | 19/03/2022
(LĐTĐ) Ngày 18/3, tại thành phố Huế, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị "Đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn". Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội Hơn 17 nghìn sáng kiến đã được cập nhật trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam Dừng thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Thông tin về kết quả đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn năm 2021, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Tổng số học sinh, sinh viên tuyển sinh năm 2021 của các cơ sở dạy nghề trong hệ thống là 74.653 người, trong đó: Đào tạo nghề 31.075 người (giảm 12% so với năm 2020 và đạt 102% kế hoạch năm 2021); huấn luyện An toàn vệ sinh lao động cho 18.158 đoàn viên và người lao động; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn: 6.890 người...

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Công đoàn: Đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phúc Đạt.

Về giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, trong năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Công đoàn đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thành phố để học sinh, sinh viên Cao đẳng và Trung cấp thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp. Trong quá trình thực tập, hầu hết các em học các nghề kỹ thuật, có kỹ năng tay nghề và yêu thích nghề đều được các doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, có 80-85% học sinh, sinh viên có việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã phát huy lợi thế về vị trí, địa điểm (trụ sở được đặt tại trung tâm các tỉnh, thành phố) tổ chức đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động có tay nghề, góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Công đoàn: Đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (phải ảnh) và Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Hồng Quang (trái ảnh) chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phúc Đạt.

Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên và người lao động của tổ chức Công đoàn đã đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.

Đáng chú ý, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đổi mới công tác tuyển sinh, đa dạng các loại hình đào tạo và cơ cấu ngành nghề hợp lý đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ. Sau khi tốt nghiệp sinh viên, học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập ổn định.

Tham luận tại Hội nghị, ông Phan Tuấn Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ thành phố Hà Nội, năm 2022, nhà trường sẽ tiếp tục giữ đầu mối chủ động, phối hợp chặt chẽ cùng với các đơn vị tổ chức thực hiện thật tốt, thật hiệu quả Đề án thí điểm “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2022” (theo Quyết định số 195/QĐ-LĐLĐ ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chương trình 1563/CTr-TLĐ ngày 09/10/2019 của Tổng LĐLĐ Việt Nam).

Cụ thể, trường sẽ tổ chức 40 lớp đào tạo, bồi dưỡng các chuyên đề, kỹ năng cho 4.000 cán bộ công đoàn các cấp theo chỉ tiêu kế hoạch (kinh phí do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ); tổ chức 106 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 100% Chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước, (theo Đề án thí điểm của LĐLĐ Thành phố giai đoạn 2021-2022); tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn về công tác cập nhật dữ liệu đoàn viên cho công đoàn cơ sở, đổi thẻ đoàn viên, kỹ năng nghiệp vụ công tác công đoàn...

Bên cạnh đó, trường cũng sẽ phối hợp với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn thường niên, theo yêu cầu nhiệm vụ cho cán bộ công đoàn (từ tổ phó công đoàn trở lên); tổ chức huấn luyện An toàn vệ sinh lao động cho 1.500 học viên là cán bộ công đoàn và người lao động…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Công đoàn: Đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động
Ông Phan Tuấn Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận, năm 2021, tuy gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã nỗ lực, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Về nhiệm vụ năm 2022, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục thực hiện Phương án 473/PA-TLĐ ngày 25/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc sắp xếp và tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn để phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ cở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 của Chính phủ; triển khai số hóa các chường trình đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định cho việc dạy các nghề trọng điểm quốc gia…

“Thời gian tới, khi các trường chuyển sang cơ chế tự chủ thì sẽ phải hoạt động như một doanh nghiệp nên đòi hỏi rất cao tính năng động, chủ động, sáng tạo và hết sức linh hoạt. Vì vậy, chính đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của các trường phải trực tiếp đi tiếp cận cơ sở, xây dựng các quan hệ với đối tác để có thêm các điều kiện về các nguồn lực để giúp cho sự phát triển của nhà trường.”, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Kế hoạch đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn năm 2022: Tổng số học sinh, sinh viên tuyển sinh năm 2022 là 83.996 người trong đó: Đào tạo nghề 30.066 người (trình độ Cao đẳng nghề 1.135 người, Trung cấp nghề 6.729 người; Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 22.202 người); huấn luyện An toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên và người lao động: 21.010 người; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn: 12.000 người; đào tạo lái xe máy A1: 21.830 người.

Về giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp: Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, phấn đấu 80-85% có việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc ở các doanh nghiệp khu công nghiệp; thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này