Thừa phát lại phải công khai chi phí, thù lao theo thỏa thuận

22:39 | 18/03/2022
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại.
Hà Nội phát triển Văn phòng Thừa phát lại phù hợp với địa bàn dân cư Hiệu quả thí điểm chế định Thừa phát lại

Theo dự thảo, thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của thừa phát lại trong hành nghề, là cơ sở để thừa phát lại tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, uy tín của thừa phát lại, góp phần tôn vinh nghề thừa phát lại trong xã hội.

Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Thừa phát lại phải công khai chi phí, thù lao theo thỏa thuận
Ảnh minh họa (Ảnh: VGP)

Với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với cá nhân, tổ chức...

Dự thảo cũng nêu rõ, thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức nơi hành nghề, thanh danh nghề nghiệp; phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề, lành mạnh trong lối sống.

Với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, thừa phát lại phải thực hiện công việc được giao một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định của Quy tắc này; coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức nơi hành nghề thừa phát lại, thanh danh nghề nghiệp.

Thừa phát lại cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn...

Trong việc thực hiện yêu cầu, phải tận tâm với công việc, bảo đảm tốt nhất chất lượng, hiệu quả công việc, giải quyết yêu cầu của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời; giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của vi bằng.

Thừa phát lại cũng có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong quá trình hành nghề cũng như khi không còn là thừa phát lại; trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định khác.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, thừa phát lại có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai chi phí, thù lao theo thỏa thuận; khi thu chi phí, thù lao phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

Dự thảo cũng quy định cụ thể những việc thừa phát lại không được làm: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

Không được nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu và các bên liên quan.

Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật cho phép; sử dụng thông tin về hoạt động của thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác...

Thừa phát lại cũng không được thông đồng, câu kết với người của cơ quan Thi hành án trong quá trình hành nghề, gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu và các bên liên quan.

Đồng thời, khi phát hiện người của cơ quan Thi hành án có hành vi sai phạm trong thực thi công vụ thì phải có trách nhiệm báo cáo với cá nhân, cơ quan có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này