Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi để nắm bắt cơ hội

17:24 | 17/03/2022
(LĐTĐ) Sau một năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đã đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù thị trường Anh rất tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng trong việc thâm nhập, khai thác lợi thế cũng như khả năng cạnh tranh với đối tác.
Cần chiến lược tiếp cận phù hợp để nông sản Việt tiến vào thị trường Anh Sau UKVFTA kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Anh bứt phá ngoạn mục Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020

Kể từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực (từ ngày 01/1/2021), hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là: Sắt thép (1.183%), cao su (82,3%), nông sản (70,8%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%), hạt tiêu (48%), phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%), gốm sứ (35,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%).

Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi để nắm bắt cơ hội
Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận để tận dụng cơ hội

Đánh giá về những con số tăng trưởng xuất khẩu sang Anh, tại Hội nghị tổng kết một năm thực thi Hiệp định UKVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kết quả đạt được nêu trên có vai trò đòn bẩy vững chắc của UKVFTA. Cụ thể, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0%, nhiều sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng đang đặt kỳ vọng cho năm 2022 khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Cùng với những kết quả nổi bật đã đạt được trong năm 2021, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn bị động và chưa sẵn sàng tiếp cận thị trường tiềm năng này. Cụ thể, theo Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, dù Anh là thị trường tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng trong việc thâm nhập, khai thác lợi thế cũng như khả năng cạnh tranh với đối tác.

Đơn cử, việc gửi sản phẩm chào hàng với giá quá cao hoặc không đủ giấy tờ chứng nhận hàng hóa theo tiêu chuẩn của nước sở tại, thời gian giao hàng lâu… là những nguyên nhân khiến hàng hoá Việt Nam chưa tiếp cận sâu được tại thị trường Anh.

Ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Anh coi trọng giá trị hàng hóa theo triết lý không phải lúc nào giá rẻ nhất cũng là tối ưu nhất. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường, phải cung cấp dịch vụ khách hàng tốt và giao hàng đúng hạn cũng như đảm bảo tính minh bạch với khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Anh cũng coi trọng đối tác đề cao việc bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động xã hội và có khả năng quản trị tốt.

Đưa ra những khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho rằng, để thâm nhập thị trường Anh, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì thị phần, làm cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi linh hoạt trong bối cảnh mới có thể vượt qua rào cản, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường...

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này