Yêu cầu gỡ bỏ hơn 13.7 ngàn sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 vi phạm trên các sàn thương mại điện tử

16:35 | 17/03/2022
(LĐTĐ) Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid như kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Duy trì và sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là vô cùng quan trọng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn nguồn cung, giá xăng dầu

Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng trả lời về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn các thiết bị y tế, phòng chống dịch; ngăn chặn hàng giả, hàng nhái...

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, trong lúc nhu cầu tăng cao đã xảy ra vi phạm như các đại biểu nêu. Ngay sau khi phát hiện có tình trạng này, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thanh kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Trong thời gian ngắn, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit thử nghiệm tại các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… với giá trị hàng chục tỷ đồng cũng đã bị phát hiện.

Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.

Yêu cầu gỡ bỏ hơn 13.7 ngàn sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 vi phạm trên các sàn thương mại điện tử
Lực lượng chức năng thu giữ lô kit test Covid-19 và thuốc tân dược không rõ nguồn gốc trị giá trên 10 tỷ đồng tại khu vực Cảng Hà Nội (ảnh: Minh Phương)

Điển hình như xử lý tổng kho buôn lậu tại thành phố Lào Cai; kiểm tra, xử lý 02 Trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái, Quảng Ninh; triệt phá các kho hàng giả giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới ở các tỉnh phía Bắc; xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các tụ điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Một số vụ việc lớn đã được chuyển cơ quan công an như: tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa giả mạo trị giá gần 10 tỷ đồng tại Bắc Ninh; vụ việc 21 bãi than lậu ở Hải Dương; tội phạm đối với tế bào quang điện mặt trời trị giá gần 100 tỷ đồng tại Bắc Giang...

Đáng quan tâm, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid như kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực sự bền vững. Tại nhiều địa bàn tình trạng bày bán công khai và tái phạm vẫn diễn ra.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết...

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm... có xu hướng diễn biến rất phức tạp.

Trong đó, hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh xảy ra nhiều ở các địa phương.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp do giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng mạnh và chênh lệch ở mức cao; xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng, dầu, "găm hàng" chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu; pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ…

Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm nêu trên, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh, huy động tối đa lực lượng để tăng cường cho cơ sở.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này