Dấu ấn Ban Nữ công Công đoàn các cấp

11:17 | 15/03/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua, Ban Nữ công Công đoàn các cấp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, năng động, sáng tạo để làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình; tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ; tham gia xây dựng chế độ, chính sách góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế cho nữ công nhân, viên chức, lao động.
Hiệu quả từ phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” Khẳng định vai trò của Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong chăm lo việc làm, đời sống cho lao động nữ Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Nữ công quý I

Tiếp sức cho lao động nữ vượt khó

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, từ những khó khăn thách thức, đội ngũ cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công với những nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo đã giúp người lao động ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó với nghề.

Chia sẻ về hoạt động của đơn vị, bà Trần Thị Tường Vy - Trưởng Ban Nữ công Công ty TNHH Âu Lạc (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh, bị giảm việc làm, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã cùng với chuyên môn có nhiều biện pháp bố trí sắp xếp, giải quyết công việc cho người lao động có việc làm ổn định, đảm bảo số ngày công từ 20-26 ngày công/tháng.

Dấu ấn Ban Nữ công Công đoàn các cấp

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Long Biên thăm hỏi việc làm, đời sống của lao động nữ trên địa bàn. Ảnh: B.D

Cụ thể, Ban Nữ công Công ty đã tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn đề xuất với lãnh đạo Công ty bố trí số lượng lớn lao động ở các vị trí kinh doanh tại khách sạn, nhà hàng (trong đó lực lượng nữ được dịch chuyển công việc chiếm 80%) sang hỗ trợ thực hiện các công việc phụ trợ tại Dự án Sân Golf Tuần Châu như: Vệ sinh cảnh quan môi trường, bãi biển, trồng cỏ và chăm sóc cây cảnh... vốn từ trước đến nay mảng công việc này công ty phải đi thuê ngoài. Qua đó vừa thực hiện được tiến độ của dự án, tiết kiệm được chi phí cho Công ty và đảm bảo được việc làm và thu nhập cho người lao động, 100% người lao động của Công ty không bị mất việc làm.

Bên cạnh đó, Ban Nữ công đã tham mưu với Ban Chấp hành Công đoàn đề xuất với Công ty thực hiện nhiều chế độ ưu đãi cho lao động nữ như: Nữ lao động nuôi con nhỏ trong 14 tháng được làm 7 tiếng/ngày; thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con người lao động; duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình “Sức khỏe của bạn” tuyên truyền, khám sức khỏe, tư vấn cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tầm soát ung thư sớm.

Từ thực tế hoạt động tại đơn vị có trên 60% là lao động nữ, bà Huỳnh Ngọc Lan - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi-Hanel (Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) cho biết: Công ty hiện có 9.000 người lao động, trong đó gần 5.500 lao động là nữ, do đó Ban Nữ công Công đoàn Công ty đóng vai trò quan trọng. Năm 2021, thời điểm thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù số cán bộ, công nhân viên đông hàng nghìn người/ca sản xuất nhưng tại nhà máy không phát sinh ca nhiễm Covid-19.

Để chăm lo cho người lao động trong thời điểm giãn cách xã hội, Ban Nữ công đã tham mưu trích từ Quỹ phúc lợi của công ty và Công đoàn mua mỳ tôm, dầu ăn và gạo gửi đến từng đoàn viên, người lao động. Cùng với đó, tham mưu với Ban Chấp hành Công đoàn và phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức nhiều chuyến xe phục vụ các nữ công nhân mang thai, cho con bú đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện và các cơ sở y tế đủ điều kiện.

“Bình thường, gạo và mỳ tôm là lương thực nhà nào cũng có, nhưng giữa mùa dịch, thực hiện giãn cách xã hội khi nhận được quà, bạn nào cũng rưng rưng cảm động, có người lao động đăng facebook khoe quà từ sự quan tâm của Công đoàn công ty với tựa đề “Ấm lòng mùa dịch” khiến chúng tôi - những cán bộ công đoàn - thực sự cảm thấy hạnh phúc”, bà Huỳnh Ngọc Lan chia sẻ.

Bà Lan cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, Ban Nữ công đã đề xuất và được công ty chấp thuận chi trả 70% lương cơ bản cho trường hợp người lao động nghỉ việc diện F1. Đây là một quyết định nhân văn, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động đang làm tại nhà máy khỏi rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc, vừa đảm bảo cho nhân viên nghỉ cách ly có thu nhập và an tâm quay trở lại làm việc.

Đối với người lao động bị nhiễm Covid-19, trường hợp không có điều kiện tự theo dõi, cách ly tại nhà thì được vào điều trị tại các khu thu dung quận Long Biên và khu tập trung cách ly y tế do công ty thành lập với công suất 200 người, chi phí điều trị, ăn ở do công ty tài trợ.

Chăm lo hiệu quả, lâu dài bằng các chính sách

Thông tin về hoạt động của tổ chức Công đoàn và Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong chăm lo việc làm, đời sống cho lao động nữ thời gian qua, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết: Những năm qua, các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan Nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực, như: Những quy định về lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội, và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030, chính sách dân số và phát triển…

Dấu ấn Ban Nữ công Công đoàn các cấp
Cán bộ Công đoàn tỉnh Long An thăm hỏi, chăm lo cho con công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, Các cấp Công đoàn còn thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các thành phần kinh tế; tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật.

Theo bà Thái Thu Xương, đằng sau những kết quả đạt được như trên là sự tham mưu tích cực của Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ. Đặc biệt, thời gian gần đây, các cấp Công đoàn đã cụ thể hóa các chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm chăm lo đời sống, việc làm góp phần hỗ trợ lao động nữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập, khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để hoạt động nữ công ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị: Ban Nữ công Công đoàn các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới đa dạng hóa các hình thức tập hợp nữ đoàn viên, người lao động đặc biệt trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận thông tin phản ánh từ đoàn viên, người lao động, kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những bức xúc, khó khăn về đời sống, việc làm của nữ đoàn viên, người lao động; tập trung các vấn đề liên quan đến đặc thù của lao động nữ nhất là ở những doanh nghiệp ngoài Nhà nước có sử dụng nhiều lao động nữ./.

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này