Một lần xem sao chè shan tuyết

09:41 | 15/03/2022
(LĐTĐ) Những búp chè shan tuyết được đảo liên tục bằng đôi bàn tay trần, trên chảo lửa đang bốc khói nghi ngút, trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ, là công việc mà anh Mùa A Khư đã làm gần 20 năm qua để tạo ra những sản phẩm chè thủ công truyền thống với hương vị thơm ngon mà chỉ có tại Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La mới có được.
Đổi thay nhờ cây chè Kỳ bí rừng chè cổ thụ 1.000 năm tuổi 1.500m trên đỉnh Khang Su Văn

Bí quyết sao chè shan tuyết

Nằm ở độ cao gần 2000 mét so với mực nước biển, Tà Xùa là một địa danh được nhiều người biết đến như chốn bồng lai tiên cảnh, với núi non hùng vĩ và mây mù bao phủ quanh năm. Không những thế, Tà Xùa còn được thiên nhiên ban tặng một sản vật quý, thuộc nhóm cây di sản Việt Nam; đó là những gốc chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm.

Một lần xem sao chè shan tuyết
Anh Mùa A Khư (ngoài cùng bên trái) đang đóng gói thành phẩm chè khô vào túi sau thời gian sao chè vất vả bằng tay không.

Theo người dân địa phương, không biết cây chè đã có từ bao giờ, nhưng tuổi của chúng cũng không thể tính theo năm mà được tính theo đời người. Nhiều đời nay, người H’Mông ở đây vẫn giữ nghề sao chè thủ công, bằng chính đôi tay của mình để tạo ra những sản phẩm chè độc đáo này.

Từ lời chỉ dẫn của các già làng, chúng tôi được biết đến anh Mùa A Khư, người H’Mông bản địa - là một trong 4 gia đình còn đang giữ lửa nghề sao chè truyền thống bằng tay. Được trò chuyện với anh Khư, chúng tôi được biết, người đàn ông này nặng lòng với những gốc chè shan tuyết cổ thụ đến nhường nào.

Anh A Khư sinh năm 1982, nhưng đã gắn bó với nghề sao chè bằng tay tới nay đã được gần 20 năm, anh chia sẻ: “Cây chè cao quá đầu người, từng gốc xù xì, mốc trắng, đã có mặt ở đây với người H’Mông từ rất lâu. Thời cha ông cũng đã biết hái chè đem về chế biến, bảo quản và làm đồ uống dân dã trong nhà.

Nhưng thời đó, người H’mông vẫn không thể hiểu hết giá trị của những gốc chè cổ thụ quê mình, không ai nghĩ đến chuyện mang chè ra bán. Trong khi đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn trồng lúa, trồng ngô, trồng cây đào với cây táo và dựa vào chăn nuôi là chính”.

Khi nhắc tới anh Khư, từ người già đến trẻ em không ai không biết đến. Anh A Khư hiện nay đang là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Xùa và cũng là một người con ưu tú của bản làng. Nhờ có sự tiên phong tìm tòi và đưa ra những kỹ thuật sản xuất phù hợp, anh Khư đã nâng tầm giá trị của cây chè bản địa lên một tầm cao mới. Chính vì thế mà đời sống của nhiều bà con nơi đây cũng được cải thiện đáng kể vào việc khai thác kinh tế từ cây chè cổ thụ.

Bằng kinh nghiệm vốn có, anh A Khư cho hay: “Để có chè khô đạt chất lượng, sau khi về phải bắc chảo lên sao luôn. Gia đình nào sao cẩn thận, làm đúng công đoạn thì sẽ được mẻ chè chất lượng tốt. Có thời tôi đã đầu tư máy sao chè, nhưng sau nhiều thành phẩm không ưng ý, tôi quyết định quay trở về với phương pháp truyền thống mà tổ tiên truyền lại”.

Chè cổ thụ ở Tà Xùa một năm chỉ thu hoạch được khoảng 3 lần, phải trải qua ít nhất 4 công đoạn mới cho ra được một mẻ chè khô có thứ nước màu xanh và thơm ngát. Nếu dùng máy vò và lò tôn quay thì cánh chè sẽ nát và bị hỏng, do đó, chỉ có thể sao thủ công bằng chảo gang dày và làm thật cẩn thận mới được. Thời điểm thích hợp nhất để hái chè là buổi sáng sớm hoặc khoảng 3 giờ chiều trở đi; đến buổi trưa và chiều tối sẽ là thời gian sao chè.

Là người đã sao chè trong nhiều năm qua, anh Khư tâm sự, cần phải giữ nhiệt độ ổn định cho chảo gang thì chè khô mới thơm ngon. Khi nhóm bếp củi làm nóng chảo, khâu kiểm tra nhiệt độ bằng tay rất quan trọng; khi nào cảm nhận tới độ nóng nhất định thì mới được đổ lá chè tươi vào.

Cách nhanh nhất là cho một nắm chè vào chảo để thử nhiệt độ xem đã đạt hay chưa. Cùng với đó là thử thách của sự kiên nhẫn, chè trong chảo nóng phát ra âm thanh xèo xèo, nổ lách tách, bốc hơi nghi ngút... cả tiếng đồng hồ mới được một mẻ, một vụ chỉ thu được khoảng 500gram đến 1kg chè khô.

Sau khi sao chè xong, công đoạn vò lên hương cũng rất quan trọng. Nếu vò nhẹ thì khi pha, nước sẽ lâu nhạt màu và hương vị trà cũng đậm đà hơn, còn nếu vò mạnh thì sẽ bị ra nhiều chè cám, trà mau nhạt hơn. Sau đó, chè được đưa lại vào chảo và làm khô đến khi bẻ cọng chè thấy giòn là được.

Các khâu sao chè đều quan trọng, nhưng theo kinh nghiệm của anh Khư thì khâu làm héo quan trọng nhất, không cẩn thận chè sẽ bị đen, hoặc vàng. Mỗi mẻ chè chỉ khoảng 2 kg thì mới đảo đều được và thời gian sao làm khô càng lâu chè sẽ càng ngon.

Những búp chè shan tuyết tươi non ngắt từ những thân chè cổ thụ mọc hoang trên các ngọn núi, qua bàn tay chế biến điêu luyện của bà con người Mông, chè mới trở nên thơm ngon lạ thường, làm nức lòng du khách gần xa. Lá chè Tà Xùa dày dặn, búp chè ngắn nhưng mập hơn các loại chè nơi khác. Loại thượng hạng là chè cổ thụ, cứ búp to 10 kg tươi thì sẽ thu được 2 kg khô.

Phát triển kinh tế từ cây chè cổ

Chè shan tuyết ở Tà Xùa có diện tích gần 200 ha với hơn 2.000 gốc cổ thụ. Hiện nay người theo nghề sao chè thủ công bằng tay chỉ được 4 hộ dân, còn lại đã chuyển qua sao bằng lồng, máy bán công nghiệp.

“Không thể đánh giá được vị của chè shan tuyết một cách chủ quan vì còn phải phụ thuộc vào tay của người pha trà. Cơ bản là nó có vị đậm đà hơn trà ở vùng trung du và có thể pha được trên 10 lần nước. Nhưng cứ chuẩn là trà shan tuyết thì có thể pha đi pha lại rất nhiều lần”, anh A Khư khẳng định.

Một lần xem sao chè shan tuyết
Người đồng bào dân tộc H’Mông đang dùng chính đôi tay trần của mình để sao chè trên bếp lửa nóng.

Chính sự công phu tỉ mỉ trong từng công đoạn ấy mà đã tôn lên giá trị của những búp chè shan tuyết cổ thụ ở Tà Xùa, và tạo sự khác biệt so với trà ở nhiều vùng miền khác. Tùy vào độ tuổi của từng cây chè và chất lượng thành phẩm mà giá của mỗi cân chè khô có sự chênh lệch ít nhiều.

Khi chúng tôi hỏi về giá trị kinh tế mà chè shan tuyết đem lại, anh A Khư bộc bạch: “Một cân chè bình thường có giá là 500.000 - 600.000 đồng/kg, đây là giống chè mới, trồng được khoảng 10 năm hoặc 20 năm tuổi. Bên cạnh đó, giá chè khô từ 2 triệu - 3 triệu đồng/kg được lấy bởi các loại cây đã sống từ 40 - 50 năm. Còn đa phần ở cây cổ thụ trên 100 năm được chế biến kỹ càng, đúng công đoạn thì phải có giá ít nhất từ 4 - 5 triệu đồng/kg”.

Được biết, những mẻ chè anh Khư làm ra không có đủ để đem đi tiêu thụ. Song, người đàn ông này cũng không giấu nghề, anh còn tích cực giúp đỡ bà con trong việc nâng cao kỹ thuật sản xuất, vận động bà con bảo vệ và phát triển những gốc chè cổ thụ cũng như nhân giống phát triển vùng trè. Bởi trong anh luôn có một tâm niệm không chỉ lo cho bản thân, mà còn phải giúp đồng bào người H’mông nơi đây thoát khỏi đói nghèo.

Vừa là một người lưu giữ nghề sao chè truyền thống độc đáo, cũng là một cán bộ của xã Tà Xùa, anh Khư cho biết: “Liên quan đến cây chè, nông nghiệp trong đó có cây chè; chè Tà Xùa đem lại nguồn thu cao và ổn định cho bà con. Hàng năm có vườn chè tốt, tình hình kinh tế gia đình cũng được cải thiện đáng kể. Ở đây làm du lịch rất ít vì 100% là người dân tộc, nhờ chè shan tuyết mà Tà Xùa nay cũng phát triển hơn”./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này