Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và sản phẩm làng nghề

09:41 | 15/03/2022
(LĐTĐ) Từ xưa đến nay, Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề”, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, phát triển du lịch nông nghiệp được kỳ vọng là hướng đi góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân…
Xã hội hóa phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội đề nghị phủ sóng wifi cho các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề

Những hướng đi mới

Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 20km về phía Nam, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là một vùng đất cổ, ngày nay được biết đến là “làng du lịch”. Về thăm xã Hồng Vân những ngày giữa tháng 3/2022, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi của miền quê nơi đây. Những tuyến đường khang trang, rộng đẹp được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Thảm hoa, cây xanh phủ bóng ven những con đường, ngõ xóm dẫn vào khu dân cư, hiếm khi bắt gặp rác thải bị vứt bỏ ven đường.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và sản phẩm làng nghề
Khu vực chợ đêm xã Hồng Vân, không gian đi bộ là một trong những điểm đến thú vị dành cho khách du lịch. Ảnh: K.Tiến

Ngoài thế mạnh trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, trồng rau màu, Hồng Vân còn có nhiều tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề sinh vật cảnh. Năm 2018, Hồng Vân được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Những năm qua, nhờ chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được trùng tu, nâng cấp… là tiền đề để thu hút du lịch.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nổi bật của xã như: các sản phẩm nông sản, hoa cây cảnh, dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, làng nghề, nông nghiệp… Xã cũng đã tổ chức phát động, thực hiện tốt hai phong trào: Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp và xây dựng người Hồng Vân thân thiện - mến khách. Trên cơ sở phát triển du lịch, tại xã Hồng Vân, nhiều nông dân đã có những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch gắn liền với du lịch và sản phẩm làng nghề. Nhờ chủ trương chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, đặc biệt là du lịch đã giúp đời sống người dân trong xã luôn ổn định.

Mới đây, Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng với mong muốn đưa du lịch nông thôn trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn giai đoạn mới. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025 phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn, ít nhất có 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đã đạt tiêu chuẩn OCOP (tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm áp dụng cho 6 ngành hàng gắn với nông nghiệp trong đó có dịch vụ du lịch nông thôn) từ 3 “sao” trở lên, và có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, phải có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Đơn cử, anh Phạm Văn Quỳnh, một nông dân trên địa bàn xã đã phát triển khu nông trại giáo dục Làng quê Việt (Việt Village). Đây được đánh giá là mô hình làm kinh tế thú vị. Nông trại có quy mô được phân thành các khu vườn cây, ao cá, đồng ruộng hợp lý. Hiện khu nông trại giáo dục có nhiều chương trình vui chơi cho các em nhỏ gồm trồng cây, bắt cá, cấy lúa, thăm đồng, chăm sóc vật nuôi… Bắt đầu đón khách từ cuối năm 2012 đến nay, nông trại đón hàng vạn lượt khách, chủ yếu là các em học sinh đi dã ngoại để trải nghiệm thực tế về đời sống ở làng quê.

Tương tự, tại huyện Ba Vì, từ năm 2008 đến nay, Trang trại Đồng quê Ba Vì đã thí điểm thực hiện xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp mang tính gợi mở tại vùng phụ cận Vườn quốc gia Ba Vì. Trang trại đã tiến hành các hoạt động nông nghiệp để kết nối cộng đồng du lịch trong và ngoài vùng Ba Vì. Đó là xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc (có sự giao thoa Kinh, Mường, Dao), không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên.

Quyết tâm để phát triển

Có thể thấy, nhiều năm trở lại đây, du lịch gắn với nông nghiệp và sản phẩm làng nghề đã trở thành lợi thế đối với nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội. Thành phố cũng đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì); Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn)… Bên cạnh đó, Hà Nội còn sở hữu nhiều làng nghề nổi tiếng cũng là lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có thể kể đến như: Làng nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức); nghề mây, tre, giang đan ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ)...

Trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc phát triển du lịch nông thôn vừa giảm áp lực cho các điểm du lịch trong khu vực nội đô, vừa tạo cơ hội việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội. Đồng thời tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như: Thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và sản phẩm làng nghề ở ngoại thành Hà Nội vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ phát triển.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và sản phẩm làng nghề
Xã Hồng Vân được coi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ven đô.

Mới đây, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân -hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

Hy vọng thời gian tới với nỗ lực thay đổi về tư duy, chiến lược, cách làm, du lịch nông thôn sẽ có các bước đi ngoạn mục trong nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều xã, huyện của Thủ đô, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này