Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất

13:42 | 13/03/2022
(LĐTĐ) Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm qua đem lại được ít kết quả tích cực. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số đã tận dụng được nhiều cơ hội mới để tăng cường năng lực sản xuất.
Chia sẻ của bác sĩ đầu ngành về cách phòng, tránh ung thư vú và ung thư cổ tử cung Khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi bằng giải pháp chuyển đổi số

Chuyển đổi số doanh nghiệp là xu thế tất yếu

Tại Việt Nam, ngành sản xuất trong những năm gần đây đã và đang là động lực tăng trưởng chính của nước ta. Theo số liệu thống kê từ Statista 2022 (Công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Đức), tỷ trọng của khu vực sản xuất GDP của Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất
Tỷ trọng của khu vực sản xuất GDP của Việt Nam (số liệu thống kê từ Statista 2022).

Đặc biệt trong năm 2021, khi mà nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid, khu vực sản xuất chế biến chế tạo vẫn là điểm sáng, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của cả nước.

Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến "Vượt qua đại dịch - Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng sản xuất" mới đây, trong tỉ số các doanh nghiệp được lựa chọn phỏng vấn, chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp thấy rằng đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng tích cực.

Còn lại, đa phần 34% và 59% thấy rằng Covid-19 đem lại sự tiêu cực và phần lớn rất tiêu cực ảnh hưởng, tác động đến doanh nghiệp. Trong đó có 38,3% ngành công nghiệp chế tạo bị ảnh hưởng rất tiêu cực và 58,6% bị ảnh hưởng tiêu cực.

Bên cạnh đó, hơn 70% các doanh nghiệp bị sụt giảm về doanh thu khi so sánh con số này của năm 2021 với năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, tình hình số liệu ở các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi dần.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất
Năm 2022, tình hình số liệu ở các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi dần.

Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn 53,6% doanh nghiệp có năng lực sản xuất bị suy giảm do các hạn chế hoạt động/làm việc tại nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội.

Cùng với đó, có tới 40,9% doanh nghiệp khó dự đoán khối lượng dự trữ hàng hóa thích hợp. Gần 38% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn về vận chuyển trong nước cũng như quốc tế.

Thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn của các nhà cung cấp trong nước lên đến 28,5%. Song, 27,1% doanh nghiệp chậm trễ trong việc bảo trì/hỗ trợ kỹ thuật do các biện pháp hạn chế việc di chuyển. Cùng với đó, có 23,3% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn của các nhà cung cấp nước ngoài.

Khi đánh giá nhận thức của doanh nghiệp, có đến 36,1% các doanh nghiệp đã nghe qua về chuyển đổi số, nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu. Bên cạnh đó, trong ngành sản xuất, tỷ lệ các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trước năm 2020 cũng khá nhiều.

Tuy nhiên vẫn còn gần 20% các doanh nghiệp sẽ bắt đầu ứng dụng công nghệ mới từ khi có Covid và tiếp tục sử dụng công nghệ này trong tương lai. Tồn lại gần 17% các doanh nghiệp chưa ứng dụng các công nghệ số nhưng đã có quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ số.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất
Nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số (số liệu trong báo cáo khảo sát của VCCI).

Trong kết quả nghiên cứu khảo sát, việc quản trị nội bộ được các doanh nghiệp quan tâm đến nhiều nhất. Sau đó mới là bán hàng, sản xuất, tối ưu hóa quy trình, mua hàng, logistics, phát triển sản phẩm và cuối cùng là tìm kiếm và chăm sóc.

Nhìn chung, kỳ vọng của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số phần lớn là để giảm chi phí và giấy tờ, giảm tiếp xúc trực tiếp để quản trị kinh doanh một cách hiệu quả, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ...

Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp chia sẻ thêm: “Cản trở lớn nhất của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số ở phần chi phí. Hiện nay, chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao so với doanh nghiệp, đặc biệt đối với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trong số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, cũng như còn e ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân của doanh nghiệp và thiếu cả nhân lực, thiếu cả thông tin, khó khăn trong việc thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống của mình”.

Từ nghiên cứu đó bà Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp cần chủ động và nỗ lực hơn nữa để chuyển đổi số, hướng tới môi trường, thể chế và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả.

Xu hướng và vai trò của chuyển đổi số

Ngày nay, chuyển đổi số được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong thời điểm tất cả các doanh nghiệp đều đang gồng mình phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, các doanh nghiệp đều mong muốn chuyển đổi số nhưng phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức bao gồm cả việc xây dựng chiến lược phát triển, chọn giải pháp số tối ưu hoặc tìm kiếm được đối tác tin cậy.

Trao đổi về những vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc quốc gia Tập đoàn Epicor (tập đoàn Mỹ) tại Việt Nam cho biết, trong khi các hoạt động sản xuất đã phục hồi trở lại với yêu cầu ổn định và có thể lạc quan sau Covid, nhưng vẫn có ở đó những thách thức rất lớn do các xáo trộn gây ra bởi đại dịch. Như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hay thiếu hụt nhân lực lao động và chi phí tăng vọt.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trước những cơ hội và thách thức của đại dịch Covid-19.

Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, các doanh nghiệp sản xuất tại châu Á nói chung hay tại Việt Nam nói riêng đang tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Đó là ưu tiên việc hợp tác trong quá trình vận hành. Sự hợp tác ở đây để có thể hiểu theo chiều dọc, tức là giữa các cá nhân, các bộ phận trong doanh nghiệp; và hợp tác theo chiều ngang là hợp tác giữa doanh nghiệp với các khách hàng cũng như các đối tác của mình.

Ngoài ra, ưu tiên vào việc áp dụng công nghệ cũng giúp cho doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với các cơ hội, cũng như là các thách thức mới. Đồng thời đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên của mình, với mục tiêu quan trọng nhất là duy trì sự tăng trưởng.

Trong báo cáo chuyên sâu và khảo sát hơn 1.200 nhà sản xuất trên thế giới của Epicor năm 2021, hầu hết các nhà sản xuất đang có xu hướng áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào quá trình vận hành doanh nghiệp.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất
Xu hướng chuyển dịch lên điện toán đám mây (số liệu từ báo cáo thông tin chi tiết về ngành của Epicor năm 2021).

Khuyến nghị về việc doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty công nghệ Rochdale Spears cho hay, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng.

Nếu doanh nghiệp biết tận dụng chuyển đổi số, chi phí sản xuất sẽ được tối ưu hóa bằng cách thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị và cải tiến quy trình công nghệ.

Song, công nghệ số còn giúp doanh nghiệp giảm bán thành phẩm, giảm nguyên liệu và hàng tồn kho; giúp mô phỏng 3D cho các quy trình tự động hóa máy móc, thiết bị… từ đó có tư duy an toàn trong vận hành, thúc đẩy hoạt động đào tạo và phát triển, có chính sách giữ gìn và thu hút nhân tài; làm giàu thêm văn hóa kinh doanh - giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Theo ông Giang, cần lựa chọn một giải pháp, một phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) phù hợp là hết sức quan trọng. Nhưng, giải pháp ấy cần sự phù hợp với các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, phù hợp với tương lai phát triển của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp lập kế hoạch ngân sách hiệu quả, áp dụng công nghệ mới và tiếp cận các đối tác hoặc tự triển khai.

“Với những giải pháp công nghệ hiện có, việc chuyển đổi số bằng cách tự thân doanh nghiệp hoặc nhờ vào sự hỗ trợ, can thiệp của các công ty công nghệ là điều không còn khó khăn và nhiều thách thức như trước đây”, ông Nguyễn Đình Giang khẳng định.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này