Không ai “bất tử”

22:09 | 10/03/2022
(LĐTĐ) Hiện tại, nhiều người đang có suy nghĩ bản thân sẽ “bất tử” trước đại dịch Covid-19, thậm chí nghĩ rằng, có bị cũng chẳng sao, hoặc bị rồi thì cứ thế mà băng qua đại dịch, vì vậy mà chủ quan phòng dịch.
Thận trọng dùng thuốc khi trẻ mắc Covid-19 Không lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19 Các biện pháp giảm ho do COVID-19 tại nhà

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Rất nhiều nguy hiểm vẫn đang chực chờ nếu chúng ta thành F0. Chính các chuyên gia y tế cũng đang khuyến cáo suy nghĩ đó có thể khiến số ca Covid-19 ngày càng tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Không ai “bất tử”
Anh Hoàng Nguyên Vũ sau những ngày trị liệu.

Câu chuyện dưới đây của anh Hoàng Nguyên Vũ, hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, người vừa tái nhiễm Covid-19 là lời nhắn nhủ cho những ai vẫn còn đang chủ quan và cho rằng mình sẽ “bất tử”.

Một tối cuối tuần, tôi đón cô tôi du lịch về từ miền Bắc, khiêng đồ đạc giúp cô về nhà.

Thấy cô ho, tôi nửa đùa nửa thật: “Hay cô đã dính?”. Cô vẫn lạc quan: “Giờ dính đầy ra rồi, có dính chắc cũng thường thôi”.

Vốn một lần nhiễm từ hồi tháng 8/2021, sau đó băng qua đại dịch mỗi ngày trước mặt mình bao nhiêu F0, tôi có chút tự mãn rằng mình đang là “bất tử”. Nhất là ở nhiều thời điểm, đến nhiều vùng bùng dịch sau đó, mỗi lần bay, cái test vẫn chỉ hiện lên một vạch.

Đôi lúc, tôi cũng có suy nghĩ: “Giả sử mình có tái nhiễm, chắc cũng nhẹ thôi”. Cuối cùng, đó không phải là “giả sử” nữa. Cũng chẳng phải “cũng nhẹ thôi” như mình nghĩ.

********

Ho nhiều, cô nhờ một người quen ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) đến test: 2 vạch nét căng. Cô ở trong nhà, riêng một phòng.

Tôi đã hạn chế gặp gỡ, nói thầy cầu lông, cô piano cho nghỉ. Họ không muốn, họ nghĩ rằng, giờ có F0 đi nữa, chắc cũng... thường thôi. Cứ học đi.

Ừ, mà đang “thường” thật. Bởi F0 có thể đang chạy đầy đường, đang gặp ta mỗi ngày, chỉ không nhận ra vì người đó không chịu đi kiểm tra, hoặc không nói cho ta biết. Mà có khi, chính ta cũng là F0, mà ta không hay.

Thời điểm đó tôi bắt đầu thấy mỏi nhừ người, đôi lúc ớn lạnh. Thì vẫn nghĩ mình “bất tử”, nên nghĩ lâu rồi chắc cảm vặt chút cho nó ra dáng ốm đau thường nhật. Nhưng sốt một lúc một cao, họng rát, tôi nghĩ chắc không ổn rồi...

Nhờ cô gọi bạn ở CDC hôm trước đến test, ôi, một vạch rồi hai vạch rất đỏ, rất rõ. Bạn giải thích cho tôi biết có thể là tôi nhiễm chủng mới.

Thậm chí, có người nhiễm chủng cũ trước đó vài tuần, bây giờ nhiễm chủng khác.

Đa số những người tái nhiễm đều cảm giác rất nặng. Đầu đau như búa bổ, ho như tháo cống, người mỏi rã rời và sốt rất cao. Nếu thể trạng yếu sẵn, có người kéo dài từ 6 ngày đến vài tuần mới khỏi. Còn người nào khoẻ thì mọi chuyện qua nhanh và nhẹ hơn nhiều.

********

Có đơn thuốc, tôi gọi cho những người tôi đã gặp trước đó, đưa đơn thuốc cho họ và khuyên họ nên lấy uống dần nếu phát hiện người mỏi. Không nên để đến lúc bệnh phát, sẽ rất mệt.

Em tôi, bạn nhiễm chủng Delta đời đầu, trong tiếp xúc cũng nhiễm luôn lần này. Triệu chứng và mọi thứ chẳng khác gì tôi cả.

Cháu tôi, hôm Tết mới nhiễm Delta, mất mùi, mất vị, nay mới hơn 1 tháng, nhiễm nốt cái chủng mới, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng của Hà Nội.

Nhiều bạn bè tôi cũng tái nhiễm. Họ bảo nếu lắng nghe kỹ cơ thể, thì sức mình như bị bào mòn đi rất nhiều. Người mình như bị chết dần vậy.

********

Đã có lần tôi nói, vi rút không đáng sợ. Nhưng đáng sợ bây giờ, có lẽ là sự chủ quan với vi rút. Một điều ai cũng biết và sẵn sàng đối mặt là chúng ta ai cũng có thể bị nhiễm, trong cái tình cảnh như hiện tại.

Nhưng một điều chưa ai hình dung được, là “hậu vi rút”, chúng ta trở nên ra sao, chúng ta còn đủ sức khoẻ để thực hiện tất cả những mục tiêu sống mà chúng ta mong muốn hay không?

Lần này, tôi thấy mình mệt, mệt thật sự.

Ngồi lâu: Mỏi. Nghĩ nhiều: Mệt và tự dưng không muốn nói gì với ai. Vận động nhiều: Khó thở. Đầu luôn đau từ vô hình đến hữu hình. Trí nhớ thuyên giảm thấy rõ. Cơ thể có những cú giật bất ngờ, mà trước đây mình không có...

********

Tôi là kẻ biết chăm sóc bản thân và chưa từng phá sức khỏe của mình bởi bất cứ một lý do gì, bất cứ một hoàn cảnh nào. Bao năm nay, tôi vẫn luôn giữ sự bình yên, trước bao cảnh người đời làm mình buồn, người thân làm mình khổ, hay người yêu làm mình đau.

Tôi giải quyết mọi chuyện bằng việc gác lại hết và đi ngủ cho đủ giấc, để mai tỉnh dậy là một ngày khác.

Nhưng 2 lần “dính” Covid-19, đã khiến tôi bị mất ngủ, nửa đêm hay thức giấc và người hơi trằn trọc.

Tôi đang trong những ngày trị liệu. Giờ thì bình tĩnh, việc nhiều thì bỏ bớt, cái gì làm mình nghĩ nhiều, áy náy nhiều thì buông xuống cho nhanh; ai làm mình khổ mình đau mình buồn thì thôi, mình nên tránh họ, không đánh đổi sức khoẻ bằng việc cố gặp làm gì.

Thuốc Tây nhiều rồi, nên tôi không thử thêm cái gì nữa. Tôi xông sả khô cùng quế và gừng nhẹ mỗi tối (cái này nhà làm được). Tôi uống nước sả khô cùng cam và mật ong. Tôi dùng trà hoa vàng mỗi ngày.

Rồi ăn uống đầy đủ, không quá nhiều nhưng không được để thiếu chất. Không nhất thiết phải ép mình ăn chay nhưng ngược lại, cũng không ăn quá nhiều chất đạm.

Rồi thể thao nhẹ nhàng, rồi âm nhạc, rồi tìm vui trong những gì vui nhất, ví dụ như đời tôi vui nhất là chuyện viết lách, tôi vẫn viết mỗi ngày. Rồi đi xem tranh. Rồi sống cho mình nhiều hơn vì nói thật, hơn một nửa cuộc đời, tôi đã sống vì người khác cũng kha khá rồi.

Bạn ạ, dịch bệnh chưa qua đâu và có thể mãi mãi không qua, với những di chứng chúng để lại trong sức khỏe của chúng ta. Đừng chủ quan, bạn nhé. Hãy tỉnh táo lắng nghe sự thay đổi trong mình và điều chỉnh đúng lúc, đúng cách để chúng ta mãi ổn.

Không ai “bất tử”, có thể dễ tái nhiễm và các di chứng của nó không đơn giản đâu, cẩn thận!

Nào, cùng nhau vượt qua những khó khăn này nhé!

Hà Phong (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này