Tăng giá xăng dầu là yếu tố chính gây trở ngại trong kiểm soát lạm phát

17:18 | 10/03/2022
(LĐTĐ) Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay đó chính là sự leo thang của giá cả mặt hàng xăng dầu. Áp lực tăng giá xăng dầu trong trước mắt cũng như thời gian tới đã khiến dư luận không khỏi lo ngại về tác động lên lạm phát.
Siêu thị gồng mình giữ giá hàng hóa trước tác động tăng giá xăng dầu Giá xăng, dầu tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít từ 15h ngày 11/2 Hà Nội đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho người dân trên địa bàn

Trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng.

Đánh giá về tình hình kiểm soát lạm phát trong thời gian qua, ông Nguyễn Bá Khang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) cho rằng, từ năm 2015 tới nay, lạm phát được kiểm soát tốt, dao động từ 2-3%. Trong đó lạm phát lõi chỉ dao động từ 1-2%, nên lạm phát tổng thể chỉ khoảng 2,6%.

Ngay sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại thì nguồn cung về lương thực thực phẩm cũng trở nên dồi dào hơn, sự hỗ trợ của chính sách về việc bình ổn giá sẽ bù đắp phần nào cho tác động của lạm phát trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới tăng cao đột biến từ cuối tháng 2 đã có những tác động tiêu cực đến kiểm soát lạm phát.

Tăng giá xăng dầu là yếu tố chính gây trở ngại trong kiểm soát lạm phát
Giá xăng dầu tăng quá nhanh đã che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng dịch vụ (Ảnh minh họa: BT)

Theo ông Nguyễn Bá Khang, việc giảm thuế giá trị gia tăng và một số mặt hàng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 để kích cầu kinh tế trong bối cảnh hiện nay đã góp phần vào bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tăng ở một số ngành. Tuy nhiên, vì giá xăng dầu tăng quá nhanh đã che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng dịch vụ, giá dầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm.

“Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát bình quân trong Quý 1/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2-2,2%. Diễn biến này cũng nằm trong xu thế dài hạn của lạm phát bởi vì về cơ bản lạm phát lõi vẫn đang ở mức thấp, nhờ đó đã tạo nên nhân tố hết sức tích cực để bù đắp lại phần tăng đột biến của giá xăng dầu trong thời gian sắp tới”, ông Khang cho biết.

Về vấn đề tăng giá xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Định - Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng đặc thù bởi giá của nó bị phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, chính trị và vị thế của các nước mà lại ít bị ảnh hưởng bởi chi phí. Vì vậy giá mặt hàng này dựa vào giá thế giới, ngay cả khi nguồn nguyên phụ liệu trong nước vẫn đầy đủ.

"Hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước. Với việc ứng phó với các tình huống bất ngờ thì sử dụng Quỹ bình ổn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ hiện nay là vẫn phải đảm bảo nguồn cung không để thiếu hụt trong mọi tình huống, để các địa phương có thể đảm bảo nguồn cung, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng tích trữ. Đây là những giải pháp cần chú trọng đặc biệt trong thời gian tới để ổn định và góp phần bình ổn lạm phát trong năm 2022", đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.

Thời gian tới, Cục Quản lý giá với vai trò là giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo trên cơ sở liên tục theo dõi giá xăng dầu trên thế giới. Từ đó sẽ cập nhật các kịch bản điều hành để có cái nhìn tổng quan trong năm 2022.

Đề cập đến việc liệu giá xăng dầu biến động có ảnh hưởng đến lạm phát có khiến giá vàng, tỷ giá tăng hay không, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, giá vàng luôn có xu hướng tăng trong thời hạn, khi lạm phát tăng thì nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang kênh tài sản khác như vàng hoặc bất động sản, nhưng lạm phát lại không phải nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng tăng. Tỷ giá của Việt Nam không phục thuộc lớn vào lạm phát. Bởi nếu quan sát kỹ có thể thấy, hiện nay lạm phát tại Việt Nam còn thấp hơn lạm phát tại Mỹ, yếu tố lạm phát gây áp lực lên tỷ giá bây giờ đã khác trước hoàn toàn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Khang cũng cho rằng, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi trong cả một giai đoạn vừa qua Viết Nam đã tạo được nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành đã giúp cho cung cầu ngoại tệ ổn định hơn trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, điều này tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này