Hà Nội: Huy động các cấp ủy Đảng vào cuộc, đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

15:40 | 09/03/2022
(LĐTĐ) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu huy động sức mạnh của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô nhằm phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đặc biệt, Thành phố sẽ lấy kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện an sinh cho người dân Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ năm 2022 Tham gia bảo hiểm xã hội 1 năm 6 tháng, có được hưởng bảo hiểm xã hội một lần?

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng mới đây đã ký ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.

Hà Nội: Huy động các cấp ủy Đảng vào cuộc, đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH tự nguyện
Thời gian qua, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với Bưu điện Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: B.D

Theo đó, Kế hoạch nêu rõ, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố sẽ tập trung quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy và các chính sách, pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác bảo hiểm BHXH tự nguyện. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trong công tác BHXH tự nguyện; thường xuyên xác định phát triển BHXH tự nguyện là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp với lộ trình phù hợp, phát triển bền vững số người tham gia BHXH tự nguyện nỗ lực phấn đấu bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm là một trong những tiêu chí xem xét, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

UBND Thành phố cũng yêu cầu huy động sức mạnh của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô nhằm phát triển bền vững số người tham gia BHXH tự nguyện hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và tham gia BHXH tự nguyện của người dân Thủ đô.

Thông qua các nhiệm vụ nêu trên, toàn Thành phố phấn đấu giai đoạn đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện trên 3% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 55%.

Giai đoạn đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 65%.

Nhìn lại công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua cho thấy, sau 3 năm triển khai Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 24/8/2018 của Thành ủy Hà Nội để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH, công tác BHXH đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tính đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn Thành phố là hơn 1,863 triệu người, tăng 3,66% so với năm 2020, bằng 39% lực lượng lao động trong độ tuổi; hoàn thành chỉ tiêu Hội đồng nhân dân Thành phố giao; số người tham gia BHXH tự nguyện là 63.304 người, tăng 30,06% so với năm 2020... Tuy nhiên, theo BHXH thành phố Hà Nội, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; số lượng nông dân, lao động tự do, lao động thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ còn thấp.

Theo đó, để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác BHXH tự nguyện trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, Thành ủy yêu cầu cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp. Trong đó, cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia và tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, nhân dân nơi cư trú tham gia BHXH tự nguyện.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy, đó là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện; nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý thu BHXH; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này