Những cây cầu bắc vào tương lai

13:43 | 10/03/2022
(LĐTĐ) Hà Nội thời điểm này đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, giao thông phát triển, vươn lên đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Trong vóc dáng đô thị hiện đại, có không ít người ví von, điểm nhấn chủ đạo của giao thông Hà Nội chính là những cây cầu. Những cây cầu góp phần giúp Thủ đô vượt qua đói nghèo và lạc hậu, những cây cầu bắc vào tương lai trong thời đại hội nhập và phát triển.
Động lực từ những cây cầu nối hai bờ sông Hồng Có một Hà Nội đang từng ngày đổi khác

Chứng nhân cho Thành phố nghìn năm tuổi

Một chiều đầu tháng 3, tôi chậm rãi đi trên làn đường nhỏ hẹp của cầu Long Biên, ngắm nhìn các bạn trẻ và cả những người nước ngoài đang thoải mái thả hồn, chụp ảnh với cây cầu mang dấu ấn hơn một thế kỷ thăng trầm. Chợt nghĩ, với người Hà Nội, Long Biên không chỉ là cây cầu sắt huyết mạch đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một phần lịch sử không thể tách rời của Thủ đô trong suốt thế kỷ 20 đầy bi hùng. Đầu Thu năm 1954, cầu Long Biên cũng là chứng tích cho những ngày đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô.

Những cây cầu bắc vào tương lai
Những cây cầu bắc qua sông Hồng là mạch nguồn giúp Thủ đô cất cánh. Ảnh: Minh Phương

Quả thực, Hà Nội có vị trí địa lý quan trọng. Từ Hà Nội có thể kết nối rộng khắp ra vùng Tây Bắc, Đông Bắc với miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam. Vị trí quan trọng, bởi thế suốt những năm cuối của thế kỷ XX, cầu Long Biên - một trong những cây cầu vượt sông Hồng đầu tiên của Hà Nội đã đóng vai trò “kết nối” giữa hai vùng tả - hữu sông Hồng. Muốn hiểu sâu hơn về cầu Long Biên, tôi lang thang đôi bờ sông Hồng để tìm lại các câu chuyện xưa cũ. Khao khát có thể tìm được những người, những câu chuyện gắn với cầu Long Biên để thỏa niềm đam mê về một thuở đất nước còn nhiều gian khó. Ấy nhưng, thời gian chẳng chiều lòng người. Những người trực tiếp đổ mồ hôi làm cầu đều đã khuất bóng từ lâu. Đa số chỉ còn lại lớp hậu duệ đời thứ tư, thứ năm, họ đều biết rất ít về cầu. Thế rồi, men theo con đường nhỏ, sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống bãi bồi, tôi lại tìm đến xóm Phao trên sông Hồng. Xóm nhỏ này thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.

Trong căn nhà lụp xụp, Trưởng xóm Phao Nguyễn Đăng Được (76 tuổi) kể, xóm hiện có 32 hộ với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn. Vì cuộc sống nên họ phải xa quê, lên Hà Nội làm nhiều nghề để mưu sinh và sống trôi nổi. Và điểm chung là, những phận người, mảnh đời này đều ít nhiều gắn với cầu Long Biên.

Ngẫm ra, sự gắn bó với cầu Long Biên cũng hằn in những nhọc nhằn. Người dân ở đây đều không có hộ khẩu, không có nghề nghiệp ổn định nên họ chỉ có thể kiếm sống bằng các công việc thiên về tay chân như bốc vác thuê trong chợ, đi nhặt ve chai để kiếm sống. Hằng ngày, để mưu sinh, họ phải di chuyển qua cầu, cũng có người “kiếm cơm” trên chính cây cầu cổ lão. Trong câu chuyện miên man của ông Được, tôi phần nào cảm nhận được những thân phận nghèo gắn đời mình với cầu Long Biên. Với họ, nó không chỉ là một cây cầu đẹp mà còn giúp họ thêm miếng cơm manh áo.

Thế rồi, trong ánh mắt bâng quơ nhìn ra cầu Long Biên, ông Được bảo những cây cầu dường như đã chật chội, cần sự mở rộng hơn để Hà Nội phát triển. Bản thân ông Được cũng ước mơ về thành phố ven sông hoặc các dự án phát triển đô thị hai bờ. Ở đó, những người dân nghèo trong xóm sẽ được bố trí chính sách an cư, có nơi ở, có việc làm để nuôi sống bản thân. Hơn tất thảy là lũ trẻ được học hành.

Kết nối hiện tại và tương lai

Có lẽ chẳng riêng cầu Long Biên mà tất thảy những cây cầu, dù nhỏ hay to, đều mang trong mình những câu chuyện riêng. Chẳng hạn, cầu Chương Dương là cây cầu ghi dấu lần đầu tiên không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của kỹ sư nước ngoài, khi thiết kế và thi công tại Việt Nam. Cầu Vĩnh Tuy khởi công từ năm 2005, là một trong những cây cầu rộng nhất Việt Nam thời điểm thông xe năm 2009…

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã trở thành một đại đô thị với rất nhiều tiềm năng và cơ hội. Thế nhưng, với đặc thù là Thành phố bên sông Hồng, Hà Nội cần nhiều hơn những cây cầu vượt sông - những mảnh ghép chiến lược để phát triển cân đối, đồng bộ và bền vững. Được biết, trong tương lai gần Hà Nội sẽ tập trung vào việc khép kín các trục vành đai, bổ sung kết nối các tuyến hướng tâm và đặc biệt là xây dựng thêm một số cây cầu vượt sông Hồng. Những cây cầu này là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Thực tế, trong nhịp phát triển không ngừng nghỉ, việc xây dựng nhiều hơn nữa những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng để Thủ đô Hà Nội phát triển kinh tế ngày mỗi nhanh, mạnh, bền vững đã được tính đến từ lâu. Các nhà quy hoạch và cơ quan quản lý cũng khẳng định, chính những cây cầu đã và sẽ góp phần thay đổi diện mạo khiến kiến trúc, cảnh quan đô thị thêm đặc sắc.

Được biết, hiện Hà Nội đã có không ít cây cầu đóng vai trò thông thương, phát triển kinh tế Thủ đô như: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Việt Trì - Ba Vì. Ngoài ra, trong quy hoạch sẽ có thêm các cầu như: Hồng Hà, Mễ Sở, Thăng Long mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc. Phải khẳng định, những cây cầu kể trên khi được đầu tư và xây dựng sẽ đóng vai trò khép kín, tạo sự liên kết các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 3,5 và Vành đai 4, đồng thời tạo “cú huých” mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía bắc sông Hồng.

Không nói đâu xa, ít ngày gần đây, Hà Nội đã công bố những hình ảnh thiết kế rất độc đáo về cầu Trần Hưng Đạo. Dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nằm trong quy hoạch xây dựng chung của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phương án đề xuất, cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy) với tổng chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5km. Dự kiến, điểm đầu dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm). Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy (Long Biên).

Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cho biết: Cầu Trần Hưng Đạo là công trình giao thông trọng điểm của Thành phố và là một trong những cây cầu đường bộ vượt sông Hồng đã được xác định vị trí trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Cây cầu này có nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm tải cho các cây cầu hiện có trong khu vực và kết nối giữa khu vực trung tâm Thành phố với khu vực phía Bắc sông Hồng; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. “Phương án Cầu Trần Hưng Đạo là công trình công cộng quy mô lớn không chỉ giải quyết nhu cầu về giao thông mà còn là công trình có ý nghĩa văn hóa, là điểm nhấn trong khu vực lõi đô thị, công trình cầu vượt sông Hồng kết nối khu vực trung tâm và khu vực phát triển mới phía Đông Bắc của Thủ đô” - ông Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.

Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng, soi bóng xuống sông Hồng… điều mong mỏi này là tất yếu. Trong tương lai gần, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của Hà Nội, trong sự đô thị hóa nhộn nhịp đó có bóng dáng của những cây cầu. /.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này