Nhà hàng, quán ăn lao đao vì “bão” giá xăng

18:36 | 07/03/2022
(LĐTĐ) Chưa kịp phục hồi sau thời gian dài phải đóng cửa bởi dịch Covid-19, đến nay, các nhà hàng, quán ăn lại tiếp tục phải chống chọi với giá gas, nguyên liệu tăng cao. Nhiều chủ cửa hàng cho hay, hiện tại lượng hàng bán ra chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch nhưng lợi nhuận lại giảm rất nhiều khi mọi chi phí đều bị đội lên.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng “leo thang” theo giá xăng Giá xăng tăng mạnh, sử dụng xe buýt thay cho phương tiện giao thông cá nhân: Tại sao không? Giá xăng tiến sát mốc 27.000đồng/lít từ 15h ngày 1/3

Đuối sức vì xăng, ga tăng giá

Chịu tác động từ xu hướng chung của thế giới, giá gas, xăng dầu trong nước cũng tăng liên tục. Theo đó, từ chiều ngày 1/3, xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh lên mức giá mới khi tiến sát mốc 27.000 đồng/lít.

Cùng với đó, giá gas bán lẻ cũng tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg...

Việc xăng, gas đồng loạt tăng giá đã khiến các chủ kinh doanh ăn uống lao đao bởi chi phí nhà hàng đội lên cao.

Nhà hàng, quán ăn lao đao vì “bão” giá xăng
Giá xăng tăng khiến nhiều cửa hàng, quán ăn đau đầu vì chi phí tăng cao (Ảnh minh họa: Lê Thắm)

Anh Trọng, chủ cửa hàng phở trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), cho biết, sau khi mở cửa bán tại chỗ trở lại, khó khăn lớn nhất của cửa hàng không phải là thiếu nhân viên, chi phí phòng, chống dịch mà là giá nguyên liệu tăng rất cao, đặc biệt là giá gas.

Theo anh Trọng, trung bình mỗi tháng cửa hàng của anh sử dụng hết khoảng 11 bình gas, chi phí rơi khoảng vào hơn 4 triệu đồng, từ thời điểm gas tăng giá, chi phí này tăng lên gần 6 triệu đồng.

“Tháng 1/2022, tôi mua mỗi bình gas loại 12kg chỉ khoảng 430.000 đồng, nay phải mua với giá 500.000 đồng/bình, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng 70.000 đồng, kéo theo chi phí mua gas 1 tháng lên gần 6 triệu đồng/tháng”, anh Trọng than thở.

Tương tự, anh Dương Văn Tiếp - quản lý chuỗi nhà hàng JINRO BBQ (Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội), cho hay, trung bình một tháng mỗi quán sử dụng khoảng 10-15 bình gas loại 12kg.

Việc giá gas tăng lên so với thời điểm trước Tết khiến hệ thống nhà hàng phải chi thêm từ 7-10 triệu tiền gas. Giá dầu tăng, gas tăng, kéo theo hàng loạt chi phí đầu vào và các nguyên liệu tăng theo, trong khi từ đầu tháng 2 tới nay dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khiến doanh thu của cửa hàng giảm sút.

“Để kích cầu khách hàng, cửa hàng đã thực hiện nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để thu hút khách, nhưng lượng khách vẫn giảm mạnh. Đặc biệt là 10 ngày trở lại đây khi số lượng ca nhiễm Covid-19 của Hà Nội tăng vọt. Doanh thu của cửa hàng vì thế cũng giảm 40-50%”, anh Tiếp chia sẻ.

Nhà hàng, quán ăn lao đao vì “bão” giá xăng
Giá thực phẩm, rau xanh cũng theo đó mà tăng lên.

Cùng với giá gas, việc xăng dầu tăng giá cũng kéo theo các mặt hàng khác như thực phẩm, rau xanh tăng tương ứng. Khảo sát tại các chợ dân sinh trong ngày 6 và 7/3 như chợ Đồng Xa, Dịch Vọng, Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Minh Khai (Bắc Từ Liêm) cho thấy… giá các mặt hàng rau xanh, củ quả hết sức đắt đỏ.

Theo đó, súp lơ có giá 20.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/kg), cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg, cải xanh từ 5.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, xà lách từ 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau ngót từ 6.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, bắp cải từ 7.000 - 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg,...

Không riêng rau xanh, các loại thịt và hải sản cũng leo lên mức giá mới. Giá thịt lợn nạc vai, ba chỉ, sườn thăn ở mức 160.000 đồng/kg, thịt bò cũng ở mức cao từ 250.000 - 350.000 đồng/kg.

Gà ta cũng tăng lên 150.000 - 160.000 đồng/kg (tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg), cá chép giòn có giá khoảng 200.000 - 220.000 đồng/kg, cá lăng khoảng 130.000 - 150.000 đồng/kg...

Theo nhiều tiểu thương, nguyên nhân các mặt hàng thực phẩm tăng do giá xăng dầu tăng mạnh cùng với đó là khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí vận chuyển bị đội lên nhiều.

Chật vật giữ chân khách hàng

Việc giá xăng tăng cao khiến cho các cửa hàng phải chất vật tìm cách để duy trì lợi nhuận. Thế nhưng nhiều chủ cửa hàng cho biết, họ đang đứng trước một bài toán khó khi phải chọn lựa giữa việc tăng giá để đảm bảo thu nhập và giảm bớt lợi nhuận để giữ chân khách khách.

Bởi, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lượng khách tới quán đã giảm sút đi gần một nửa, thêm vào đó, kính tế của khách hàng cũng ít nhiều trở nên eo hẹp vì dịch. Một khi tăng giá, rất có thể khách sẽ không lựa chọn tới quán ăn nữa, còn nếu không tăng giá, thì lợi nhuận thu được của cửa hàng khó có thể đủ để trang trải các chi phí cần thiết.

“Mình chỉ có thể lựa chọn giữa việc giảm lợi nhuận hoặc là tăng giá chứ không thể chọn cách giảm bớt lượng thức ăn vì đa số khách tới quán thời điểm này đều là khách quen, ăn uống sành sỏi, nếu cắt giảm nguyên liệu chắc chắn khách sẽ phát hiện ra và cho rằng cửa hàng bớt xén, làm ăn không minh bạch, từ đó làm mất đi khách quen”, anh Trọng cho hay.

Nhà hàng, quán ăn lao đao vì “bão” giá xăng
Nhiều cửa hàng đau đầu lựa chọn giữa việc giữ giá, giảm lợi nhuận hay tăng giá sản phẩm.

Thực tế cho thấy, việc xăng dầu, gas và thực phẩm tăng giá đã khiến một số cửa hàng kinh doanh hàng ăn đã điều chỉnh giá bán. Cụ thể, nhiều cửa hàng đã áp dụng tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/suất để bù vào chi phí đầu vào tăng cao.

Đơn cử, tại cửa hàng phở Sơn trên phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa), trước đây giá 30.000 đồng/bát, nay đã tăng lên 35.000 đồng/bát, hoặc bún riêu tóp mỡ Hương béo trên phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng) trước có giá 30.000 đồng/bát, nay tăng lên 40.000 đồng/bát.

Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng lựa chọn phương án tăng giá, mà thay vào đó là chấp nhận giảm bớt lợi nhuận và tìm cách chuyển sang sử dụng bếp điện thay cho việc sử dụng gas.

Anh Phương, chủ quán mỳ vằn thắn Phương Béo (phố Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm), chia sẻ, do quán đã có nhiều năm bán hàng và được nhiều người biết đến nên khi giá gas tăng cao anh vẫn quyết định giữ nguyên mức giá của các món ăn và không giảm bớt nguyên liệu để giữ chân khách hàng.

“Dịch bệnh khiến thu nhập của người dân nói chung đều sẽ giảm sút, việc mình tăng giá lên 5.000, 10.000 đồng cũng khiến họ phải đắn đo suy nghĩ. Vì vậy, tôi chấp nhận vẫn giữ nguyên giá bán và không bớt xén nguyên liệu.

Thời buổi khó khăn là khó khăn chung, trước đây mình lãi được 2 đồng thì nay chấp nhận lãi còn một đồng, miễn là giữ được chân khách hàng. Còn về việc ga tăng giá, cửa hàng đang tính đến phương án dùng bếp điện, như vậy vừa giảm được chi phí vừa đảm bảo an toàn cháy nổ”, anh Phương cho hay.

Theo tìm hiểu, giá gas trong nước tháng 3 tăng mạnh là do phải điều chỉnh theo mức tăng của giá gas thế giới. Được biệt, giá gas thế giới bình quân tháng 3 nằm ở mức 907,5 USD/tấn, tăng 132,5 USD/tấn so với tháng 2.

Với việc cả giá xăng, giá gas đều tăng cao, áp lực với người tiêu dùng cũng như các ngành dịch vụ, sản xuất là hiện hữu và sẽ đẩy giá thành các sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng lên.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, trong thời gian tới, giá gas thế giới dự báo vẫn còn tăng cao và nếu giá gas còn tăng cao, Nhà nước cần sử dụng công cụ thuế để kiềm chế đà tăng giá gas.

Cụ thể, gas đang chịu thuế nhập khẩu 5%. Nếu giá gas vẫn tăng, Nhà nước có thể giảm xuống 3%, thậm chí đưa mức thuế này tạm thời về 0% để giảm áp lực cho người tiêu dùng.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này