Giải bài toán cung - cầu lao động

11:04 | 08/03/2022
(LĐTĐ) Dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, số người bị mắc Covid-19 là công nhân lao động tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp - khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố lớn vốn đã thiếu lao động lại càng rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Thực tế trên đặt ra bài toán: Bên cạnh những giải pháp cân đối nguồn cung lao động trước mắt, cần có những chính sách dài hơi, bền vững để thu hút và giữ chân người lao động tỉnh xa yên tâm ở lại các tỉnh, thành phố lớn làm việc.
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động Số ca mắc Covid-19 tăng cao, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu hụt lao động Công đoàn đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động

Dịch bệnh khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng

Thông tin về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: Theo báo cáo chưa đầy đủ, có khoảng 95% người lao động (NLĐ) trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số địa phương có tỷ lệ NLĐ trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).

Giải bài toán cung - cầu lao động
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm, đời sống của NLĐ tại các tỉnh, thành phố lớn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy, hiện tại, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong khi đó, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành trong năm 2022 có xu hướng tăng lên. Cụ thể: Bình Dương: Cần khoảng 90.000 lao động, Long An: Khoảng 51.000 lao động, Hải Phòng: Trên 50.000 lao động), Tây Ninh: Khoảng 46.000 lao động, Kiên Giang: Khoảng 44.000 lao động, Cà Mau: Khoảng 35.000 lao động, Bắc Ninh: Từ 25.000 - 30.000 lao động, Hà Nội: Khoảng 26.000 lao động…

Lý giải nguyên nhân thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất ở các tỉnh, thành phố lớn, ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi đại dịch diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp buộc phải sa thải hoặc để NLĐ tạm dừng việc, một lượng lớn những NLĐ này đã di chuyển ra khỏi khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có đông dân cư với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp khi chúng ta từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo ông Trung, mức thu nhập của công nhân lao động hiện nay so với mức sống ở trung tâm Thành phố thì không đủ sống do nhiều chi phí cao (nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt, gửi con…). Trong khi đó, một số khu công nghiệp tại các tỉnh đang mở rộng, có nhiều chính sách thu hút công nhân tại chỗ, nên nhiều công nhân lao động chọn giải pháp trở về quê nhà.

Đồng tình với góc nhìn trên, ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho rằng: Một số lao động về quê ăn Tết, chưa quay trở lại Thành phố làm việc do e ngại dịch bệnh; bên cạnh đó chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn tăng cao, trong bối cảnh thu nhập hiện tại của NLĐ thấp, không đủ tích lũy, đảm bảo cuộc sống...

Tại thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện số công nhân lao động nhiễm bệnh trở thành F0, F1 tăng cao đột biến (khoảng gần 20% tổng số lao động) nên các doanh nghiệp trên địa bàn rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Việc này khiến nhiều doanh nghiệp phải khắc phục bằng cách đào tạo nhanh, đào tạo gấp lao động; tăng ca để đáp ứng tiến độ đơn hàng; nhiều doanh nghiệp phải chuyển đơn hàng tới nhà máy chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác - nơi có đủ nguồn lao động để đảm bảo sản xuất.

Là địa phương có số lượng lao động thiếu hụt lớn nhất cả nước hiện nay, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết: Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương lên tới 90.000 lao động. Tuy nhiên, nhiều NLĐ trở về quê ăn Tết chưa trở lại Bình Dương làm việc do ở địa phương cũng có khu công nghiệp, hơn nữa điều kiện, giá cả sinh hoạt ở quê thấp hơn ở Bình Dương rất nhiều. Bà Loan đưa ra bài toán, thu nhập của NLĐ ở Bình Dương khoảng 7 triệu đồng (phải thuê nhà, lo cho con cái học hành, giá sinh hoạt cao), trong khi đó ở quê, NLĐ chỉ cần thu nhập từ 4-5 triệu đồng là có thể đảm bảo cuộc sống, lại không phải xa người thân.

Cần sớm xem xét tăng lương tối thiểu

Từ tình hình thiếu hụt lao động hiện nay và lý do một số cuộc phản ứng, ngừng việc tập thể trên cả nước thời gian qua có liên quan đến tiền lương, thu nhập, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, để có chính sách thu hút, giữ chân NLĐ, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, NLĐ.

“Sau 2 năm không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp đã “lấy cớ” Chính phủ không tăng lương để trì hoãn việc tăng lương cho NLĐ, đồng thời giảm bớt một số chế độ, khiến đời sống NLĐ càng khó khăn, đã dẫn đến một số cuộc ngừng việc. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Công đoàn đàm phán, thương thuyết, chủ doanh nghiệp đã đồng ý tăng lương cho NLĐ. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần khuyến nghị với Hội đồng Tiền lương Quốc gia sớm tăng lương tối thiểu cho NLĐ; đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp về thực hiện chính sách tiền lương của Chính phủ với NLĐ.”, ông Lê Đình Hùng đề xuất.

Nhấn mạnh vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành với chính quyền chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ; đồng thời chủ đề công tác năm 2022 được Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện là chăm lo việc làm và đời sống cho NLĐ, theo đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, các cấp Công đoàn tại cơ sở cần thể hiện năng lực, vị thế của mình trong đàm phán, thương lượng với chủ doanh nghiệp, đảm bảo các chế độ về tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi… cho đoàn viên, NLĐ.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung cho rằng: Do 2 năm trở lại đây không có chính sách tăng lương tối thiểu vùng, không ít doanh nghiệp đã viện lý do này mà không tăng lương nên đã phần nào ảnh rất nhiều mức sống của công nhân. Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan đến pháp luật lao động, quan hệ lao động… nhưng việc xử lý không kiên quyết, các biện pháp chế tài cũng không đủ răn đe doanh nghiệp nên có nhiều công ty nợ bảo hiểm xã hội, bỏ trốn, nợ lương, tăng ca quá mức dẫn đến công nhân bị thiệt thòi.

Nhất trí cao với những đề xuất trên, bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho rằng, giá cả sinh hoạt tăng cao, lương tối vùng không đảm bảo sinh hoạt và cuộc sống của lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đến làm việc nên hiện các địa phương rất khó tuyển dụng lao động.

Từ thực tiễn hiện nay, bên cạnh ý kiến đề xuất cần quan tâm điều chỉnh lương tối lương tối thiểu vùng, nhiều Công đoàn cơ sở cho rằng, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với thủ tục, hồ sơ đơn giản để NLĐ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn. Đi liền với đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân NLĐ làm việc lâu dài…/.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này