Đảm bảo chính sách an sinh cho công nhân

10:34 | 08/03/2022
(LĐTĐ) Đề xuất các giải pháp để giải bài toán thiếu hụt lao động, đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, cơ sở và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động (NLĐ) đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho NLĐ với thời hạn trả khoảng 20 năm để NLĐ yên tâm làm việc…
Công nhân đi làm lại hưởng ngay 6 triệu đồng tiền mặt, hỗ trợ 3 tháng tiền nhà Trao hỗ trợ công nhân môi trường có hoàn cảnh khó khăn gặp tai nạn giao thông Thăm và trao quà hỗ trợ công nhân vệ sinh môi trường đang làm việc trong khu vực cách ly y tế

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân

Tại Hội nghị trực tuyến với một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành nhằm nắm bắt tình hình lao động và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện các cấp Công đoàn và chủ doanh nghiệp một số địa phương cũng nêu hạn chế, bất cập đó là một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất không cao hơn các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp nên không giữ chân được NLĐ, không thu hút được NLĐ vào làm việc.

Đảm bảo chính sách an sinh cho công nhân
Thiết chế Công đoàn đi vào hoạt động, giúp công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm khi đến làm việc.

Từ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, sắp tới, thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân lao động thuê, mua… qua đó tạo sự yên tâm, gắn bó cho công nhân lao động địa phương khác đến làm việc tại Bình Dương.

Giải pháp này cũng được bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hannesbrands Việt Nam - Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đồng tình. Theo bà Thảo, muốn thu hút lao động ở lại dài lâu với địa phương, cần xây dựng chính sách về nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân, đi liền với đó là nhà trẻ để giúp NLĐ yên tâm làm việc, góp phần ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Công đoàn tiếp tục đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp

Nhận định về tình hình thiếu hụt lao động tại các tỉnh, thành phố và một số lĩnh vực ngành, nghề hiện nay, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Qua nắm bắt nguyên nhân, chúng tôi được biết có rất nhiều lý do dẫn đến thiếu hụt lao động, đó là tác động từ Covid-19 dẫn đến nhiều NLĐ là F0, F1 không thể đi làm gây gián đoạn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều nhà máy tại các địa phương mở rộng quy mô sản xuất; một bộ phận NLĐ về quê ăn Tết chưa quay trở lại các khu công nghiệp ở thành phố lớn; một bộ phận NLĐ đã tìm được việc làm mới trên quê hương mình với chi phí, giá cả sinh hoạt phù hợp hơn với thu nhập của họ.

Trong khi đó, nhiều năm qua, NLĐ chưa được tăng lương tối thiểu vùng; NLĐ làm việc ở thành phố lớn, khu vực kinh tế trọng điểm vẫn thiếu nhà ở, trường học, nhà trẻ… Những lý do trên dẫn đến tình trạng NLĐ phải cân nhắc, tính toán về làm việc tại các đô thị lớn.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, trên cơ sở tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp, các cấp Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng báo cáo, báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành chức năng để đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, khả thi, linh hoạt và có tầm nhìn sát thực tế để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ, Quốc hội đã đặt ra.

Cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của NLĐ tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư. Ban hành các chính sách nhằm thu hút NLĐ đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho NLĐ với thời hạn trả khoảng 20 năm để NLĐ yên tâm làm việc…

Cho rằng việc thiếu hụt lao động đang diễn ra ở nhiều địa phương, ngành với nhiều cấp độ, loại hình và trình độ lao động khác nhau, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp; và việc thiếu hụt này còn có thể kéo dài, cần nhiều giải pháp trong thời gian dài… Theo đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị: Trong bối cảnh hiện nay, Công đoàn các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào phục hồi thị trường lao động là giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Trong đó, với tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt hơn sứ mệnh chăm lo cho NLĐ của tổ chức Công đoàn, từ đó thu hút NLĐ về với tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, hoạt động cũng nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là chăm lo việc làm, đời sống NLĐ. Đây cũng là sự chia sẻ của Công đoàn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu hụt lao động. “Với Chính phủ, đây là hoạt động khẳng định sự đồng hành của Công đoàn với Chính phủ để thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế và đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho NLĐ sớm trở lại doanh nghiệp, đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khuyến khích LĐLĐ các tỉnh, thành phố phối hợp với nhau để tuyển dụng, điều phối lao động, qua đó góp phần ổn định đời sống, việc làm cho đoàn viên, NLĐ.

Từ thực tế tình hình lao động hiện nay, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, doanh nghiệp, các cấp Công đoàn đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương: Cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân NLĐ làm việc lâu dài; Cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của NLĐ tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư. Ban hành các chính sách nhằm thu hút NLĐ đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho NLĐ với thời hạn trả khoảng 20 năm để NLĐ yên tâm làm việc…;

Các cơ sở đào tạo nghề cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhất là những ngành/nghề đang phát triển, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội như: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics.../.

N.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này