Cảnh báo nguy cơ nghiện game trong mùa dịch

09:22 | 08/03/2022
(LĐTĐ) Sau một thời gian dài trẻ ở nhà học online do dịch Covid-19 và được sử dụng các thiết bị công nghệ, rất nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng nhận ra con mình đã nghiện game trò chơi điện tử từ lúc nào không hay. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và kết quả học tập của trẻ.
Nghiện game sẽ được công nhận là chứng bệnh rối loạn tâm thần Con nghiện game, bố mẹ nên làm gì?

Hiểm hoạ khôn lường khi trẻ nghiện game

Thời gian qua, tình trạng trẻ đam mê trò chơi trên điện thoại di động, máy tính đã trở thành nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh. Chia sẻ về vấn đề này, bà V.T (Tây Hồ, Hà Nội) có cháu đang học lớp 4 cho biết: Do quá bận rộn với việc nhà, bố mẹ cháu thì đi công tác xa nên tôi cho cháu “làm bạn” với chiếc điện thoại di động. Ngoài thời gian cháu học online cứ rảnh tay là cháu ngồi chơi game, lúc đầu cứ tưởng cho cháu chơi để giải trí sau những giờ học căng thẳng, nhưng đâu ngờ cháu đam mê tới vậy.

“Nhiều hôm, cháu có thể bỏ ăn, bỏ ngủ chỉ cần ôm điện thoại chơi game hàng giờ liền. Lâu dần chất lượng học tập bị giảm sút, cháu có nhiều biểu hiện bị tăng động, hay la hét không kiểm soát… nên gia đình đang phải đưa cháu đi thăm khám và hỗ trợ thêm từ bác sĩ vì có dấu hiệu nghiện chơi game”, bà T cho biết.

Cảnh báo nguy cơ nghiện game trong mùa dịch
Tổ chức Y tế Thế giới phân loại người chơi game quá mức là đối tượng có vấn đề tâm thần. Ảnh minh họa

Thậm chí, theo các bác sĩ đã có những trường hợp trẻ tự tử do bị cấm cản chơi game; hoặc đột tử vì kiệt sức, suy nhược cơ thể do chơi trò chơi điện tử kéo dài, liên tục. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, dịch Covid-19 đang làm tăng nguy cơ nghiện game, nghiện online ở mọi lứa tuổi.

Bác sĩ Huyền phân tích, do dịch Covid-19, mọi người phải giãn cách, ở nhà, ít các hoạt động tập thể. Trong khi, mọi người đều lấy việc online làm giải pháp để duy trì công việc, học tập và làm kênh để giao tiếp với bạn bè, giải trí. Đối với học sinh, sinh viên việc phải dùng máy tính để học tập online đã dẫn đến việc không ít trẻ em nghiện game.

"Nghiện game được định nghĩa với những đặc điểm là mất khả năng kiểm soát chơi các trò chơi trên máy tính, điện thoại, tăng sự tập trung vào chơi game hơn là tập trung vào những hoạt động khác. Những người nghiện game cũng ưu tiên vào chơi game hơn cả vào những hoạt động thú vị khác, hay những hoạt động hàng ngày và tiếp tục hoặc tăng dần chơi game dù cho có những hậu quả xấu xảy ra", bác sĩ Huyền cho biết.

Phân tích về sức khỏe tâm thần khi nghiện game trong mùa dịch Covid-19, bác sĩ Huyền cho biết, do phải cách ly, tránh tụ tập đông người và không được tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời, nên nhiều người chơi game như một biện pháp để giải tỏa căng thẳng, stress…Và chính việc chơi game để giải tỏa căng thẳng, có thể trở thành nghiện game nếu bị lạm dụng quá mức.

“Việc không đến trường và không được tham gia vào các hoạt động, sử dụng quá nhiều thời gian để làm việc với các phương tiện như điện thoại, máy tính trong phòng chỉ có một mình khiến học sinh, sinh viên dễ rơi vào trạng thái nghiện game lúc nào không biết. Đặc biệt, khi bố mẹ quá bận rộn với công việc và việc nhà nên ít có thời gian quản lý thời gian online của con, thường thả con một mình 1 máy tính nên dễ dẫn đến việc trẻ em lạm dụng sử dụng máy tính, nghiện game", bác sĩ Huyền phân tích. Theo bác sĩ Huyền, đã có không ít thanh niên, trẻ em sau khi nghiện game thường bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, bỏ học, học hành sa sút, sinh hoạt đảo lộn, ảnh hưởng đến sinh hoạt về mọi mặt.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh – Phó trưởng Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của trẻ như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu.

Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách nên nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Mải mê chơi game khiến trẻ không còn thời gian chăm lo học hành, rèn luyện thể lực và sức khỏe, không quan tâm đến thế giới xung quanh, dẫn tới thiếu hụt kỹ năng sống. Thêm vào đó, trẻ nghiện game có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần cao hơn so với trẻ khác, như các rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất,…

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nghiện game tuổi học đường ngày càng gia tăng và đang là một vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70-80% số trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%.

Theo các chuyên gia y tế, các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ nghiện game online cha mẹ cần đặc biệt lưu ý như: Trẻ thích ở một mình tại phòng, khu vực riêng để chơi game; game là thứ trẻ nghĩ đến và muốn làm đầu tiên sau khi thức dậy; viện cớ để tránh phải tham gia một số hoạt động ngăn cản trẻ chơi game (đi dã ngoại cùng gia đình, đến nhà người thân,…); chểnh mảng, thiếu kiên nhẫn trong những công việc, sinh hoạt thường ngày, nhưng có thể dành nhiều thời gian, công sức, hoặc tiền bạc vào việc chơi game; thích trò chuyện về các chủ đề, khoe thành tích liên quan đến game; sử dụng thuật ngữ, tên gọi trong game ngay cả trong đời thường; có biểu hiện của che giấu, dối trá liên quan đến những tác động xấu của game.

Theo Phó trưởng Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, nghiện game không khó để phòng tránh, nhưng khi trẻ đã rơi vào “vòng xoáy” game online thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi. Nếu không được can thiệp kịp thời, nghiện game sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Chính vì vậy, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào game online. Trong đó nên thảo luận với con về hậu quả của nghiện game. Trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần khéo léo trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, thấu hiểu và tránh phản ứng chống đối. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm kiếm những bài báo, tài liệu đáng tin cậy để minh chứng cho trẻ rằng chơi game online quá độ sẽ gây ra nhiều hậu quả cho chính bản thân trẻ.

Đồng thời, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian ở bên cạnh con. Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ,… Để con có hứng thú, cha mẹ và anh chị em trong nhà nên tham gia cùng trẻ. Ngoài ra, nên cho trẻ giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà. Khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công,… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến.

Còn theo bác sĩ Huyền, với những trẻ có nguy cơ nghiện game, cần theo dõi thói quen chơi game của trẻ: Về thời gian chơi, trò chơi, thói quen đi ngủ và mức độ cô lập, hạn chế giao tiếp về xã hội…Việc tuân thủ theo các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc phải được đảm bảo, nhưng nên có các hoạt động tương tác giữa học sinh, ví dụ có những cuộc trao đổi, gặp mặt online hoặc tham gia vào những chương trình tự học…

"Bố mẹ cần phải dành thời gian để tương tác với con như theo dõi và quy định giờ chơi game của trẻ, đặc biệt là về giấc ngủ. Nhiều trẻ ngủ phòng riêng và chơi game suốt đêm, không kiểm soát được giờ giấc. Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời ngay tại khu vực nhà mình như đi bộ tập thể dục, đánh bóng bàn, cầu lông, chơi cá ngựa, cờ vua, cờ tướng...", bác sĩ Huyền khuyến cáo thêm./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này