Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa

09:20 | 08/03/2022
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu. Theo số liệu tổng hợp và đánh giá của Bộ Tài chính, tình trạng ùn tắc tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nhằm giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Thủ tướng chỉ đạo thông quan hàng hóa xuất khẩu tại Tân Thanh Từ ngày 1/4, thông quan hàng hóa chỉ trong vài giây

Ùn tắc hàng hóa chờ xuất khẩu

Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu mà theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa
Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).

Cụ thể, tại Lạng Sơn vẫn duy trì thông quan hàng hóa tại 4 cửa khẩu gồm Cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh. Phía Trung Quốc vẫn duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt nhưng hiệu suất thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã tăng hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, lượng hàng hóa thông quan khá ít so với trước đây, nhất là ở Tân Thanh và Chi Ma.

Tại tỉnh Quảng Ninh, tình hình xuất nhập đã dần khôi phục trở lại trong tháng 1/2022. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tình hình xuất nhập khẩu lại bắt đầu khó khăn do phía Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp nên nhiều điểm thông quan hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu chỉ diễn ra ở cửa khẩu Móng Cái. Các cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô tạm dừng từ 24/2.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, ở biên giới phía Bắc, lượng xe ùn tắc nhiều nhất nằm ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Lạng Sơn có hơn 1.500 xe chủ yếu là hoa quả tươi; Quảng Ninh có hơn 1.300 xe chủ yếu thủy hải sản đông lạnh và hoa quả tươi. Trong khi đó, Cao Bằng có 258 xe và Lào Cai có khoảng 100 xe. Nguyên nhân chủ yếu được Tổng cục Hải quan chỉ ra là do chính sách kiểm soát và phòng, chống dịch của Trung Quốc. Để ứng phó, trên các địa bàn, lực lượng hải quan vẫn đang kiên trì triển khai các giải pháp thông quan nhanh chóng nhất có thể cho doanh nghiệp.

Từ tình hình thực tế, để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hòa với từng địa phương phía Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã có công văn giao các chi cục hải quan ở biên giới phía Bắc phối hợp với cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng an toàn dịch bệnh” (vùng xanh) ở khu vực cửa khẩu biên giới, với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ có liên quan để thực hiện rà soát, chấn chỉnh hình thức trao đổi cư dân biên giới, đưa hình thức trao đổi cư dân biên giới về đúng bản chất để tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến về tình hình giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc tại các Thông báo trước đây. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định đối với các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hóa để vi phạm pháp luật.

Đối với phía Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có Công hàm gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó đề nghị hai phía tạo thuận lợi và xây dựng các biện pháp hợp tác cụ thể như: Trao đổi thông tin về các quy định thủ tục hải quan của mỗi bên, tiếp cận sớm về những đổi mới trong chính sách, chủ trương về hải quan; trao đổi thông tin trước khi hàng đến, kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu quốc gia, song phương; cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu và thông quan tại các cửa khẩu song phương phục vụ cho biên mậu Việt - Trung; thiết lập và duy trì các đường đây liên lạc giữa các đơn vị hải quan tại các cặp cửa khẩu.

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi trục lợi thông quan

Ngày 11/2, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có công hàm trả lời Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam. Trong đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhất trí với đề nghị và Hải quan Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Hải quan Việt Nam trong hợp tác xây dựng “Hải quan thông minh, biên giới thông minh, thông quan thông minh” (3 thông minh), sớm hoàn thành việc đàm phán Hiệp định hợp tác, hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, kịp thời thông báo các thay đổi về chính sách quản lý, thủ tục hải quan, tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác phòng chống buôn lậu, cùng nhau thúc đẩy xây dựng môi trường thương mại an toàn và tạo thuận lợi hóa thông quan của hai nước.

Trên cơ sở đó, thời gian tới Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ nghiên cứu, xem xét khả năng ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa các cặp cửa khẩu biên giới giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa trong tình hình dịch bệnh/tình hình khẩn cấp.

Về biện pháp xử lý đối với các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hóa để vi phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ như: Yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.

Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này