Doanh nghiệp xoay xở đủ cách khắc phục việc thiếu hụt nhân lực vì dịch bệnh

17:42 | 05/03/2022
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận trên 20.000 ca mắc Covid-19. Người người cách ly, nhà nhà cách ly đã khiến không ít cơ quan, doanh nghiệp lao đao vì thiếu nhân lực làm việc, trong khi đó, không ít công nhân, người lao động đã khó khăn càng khó khăn hơn bởi phải cách ly liên tục, không thể đi làm…
Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế phục vụ Tết Nguyên đán Các cấp Công đoàn tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp lễ, Tết

Cách ly chồng cách ly

Giữa tháng 2/2022, bố mẹ chồng chị Nguyễn Thu Huyền (Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) phát hiện mắc Covid-19. Là F1, chị Huyền xin Công ty cho nghỉ ở nhà để cách ly, theo dõi sức khỏe. Được tư vấn của người có chuyên môn, các thành viên trong gia đình chị Huyền thực hiện nghiêm việc cách ly với F0, thường xuyên khử khuẩn, tăng cường sức đề kháng với hy vọng sau từ 7-10 ngày thì F0 khỏi bệnh và cả nhà được an toàn. Thế nhưng, một tuần sau đó, chồng chị Huyền và con trai bắt đầu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, test nhanh có kết quả dương tính.

“Tôi phải tiếp tục xin nghỉ làm để chăm sóc cả nhà và xác định tinh thần là mình cũng trở thành F0 một ngày nào đó”- chị Huyền nói. Đúng như dự đoán, chỉ vài ngày sau đó, chị Huyền test thì phát hiện mình đã dương tính. “Nhà có 6 người thì 5 người F0, F1 là cậu con trai út bị nhốt cách ly một phòng, còn F0 và người mới thoát F0 thì được tự do đi lại trong nhà. Đến giờ này, tôi đã có kết quả âm tính nhưng F1 cuối cùng của gia đình cũng đang bắt đầu ho sốt, chắc là không thoát Covid-19 rồi”- chị Huyền buồn bã nói.

Doanh nghiệp xoay xở đủ cách khắc phục việc thiếu hụt nhân lực vì dịch bệnh
Công ty TNHH May Phù Đổng áp dụng giải pháp tăng giờ làm thêm, thu gọn dây chuyền làm việc để đảm bảo không đứt gãy sản xuất vì gia tăng F0

Chị Huyền cũng cho biết thêm, do quá tải F0, y tế địa phương không chăm sóc được hết nên gia đình chị phải tự túc thuốc men, chi tiêu ăn uống vô cùng tốn kém. Đã thế việc nghỉ làm liên tục khiến vợ chồng chị không có thu nhập, cuộc sống càng khó khăn hơn.

Cũng chung hoàn cảnh như trên, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng liên tiếp có người mắc Covid-19 khiến chị Ngọc đã không được làm việc trực tiếp hàng tháng nay.

“Đầu tiên là ông anh chồng mắc Covid-19, vợ chồng tôi và các con trở thành F1. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, cơ quan tôi cho phép làm việc online tại nhà. Vừa hết thời gian 7 ngày cách ly vì là F1 thì chồng tôi trở thành F0, tôi và các con tiếp tục F1 lần thứ 2. Mới đây, chồng tôi khỏi bệnh, gia đình có việc phải tập trung thì có thêm một cháu trai bị dương tính, tôi tiếp tục được cho phép làm việc online trong 7 ngày nữa để theo dõi”- chị Ngọc cho biết.

May mắn cho chị Ngọc là do đặc thù công việc, chị Ngọc không phải nghỉ việc hoàn toàn mà có thể làm việc online nên thu nhập vẫn đảm bảo, tuy nhiên theo chị, phải cách ly liên tục cùng nỗi lo sẽ trở thành F0 một ngày nào đó khiến chị rất mệt mỏi về tinh thần.

“Dịch bệnh đang lây lan mạnh mẽ ở Hà Nội, tuy nhiên, theo tôi được biết, do đa số người dân đã được tiêm vắc xin nên hậu quả không quá nghiêm trọng. Vì vậy, theo tôi, với những ai mắc bệnh thì điều trị còn với những ai chưa mắc, chỉ là F1 hay trường hợp liên quan thì vẫn có thể tiếp tục đi làm. Nếu chỉ luẩn quẩn cách ly F0 và F1 sẽ tốn rất nhiều thời gian và không ít người sẽ phải nghỉ làm dài dài bởi liên tục liên quan tới F0”- chị Ngọc bày tỏ.

Doanh nghiệp lao đao vì thiếu nhân lực làm việc

Do các ca F0 liên tục tăng cao, phải thực hiện cách ly điều trị, kéo theo các F1 phải cách ly theo dõi sức khỏe, nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp tại Hà Nội đã bị thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực làm việc, ảnh hưởng tới lao động, sản xuất, công tác, điển hình như các doanh nghiệp thuộc ngành Dệt May.

“Các doanh nghiệp sản xuất đang kêu trời đất vì thiếu người làm. Tôi vừa làm việc với một công ty có 1.200 công nhân thì khoảng 400 người F0. Đơn vị nhiều nhất có 5.000 lao động thì hơn 1.000 người F0. Đã có 36 doanh nghiệp có người mắc Covid-19. Tính chung tới thời điểm này, ngành Dệt- May Hà Nội có gần 6000 người là F0, 700 người là F1 trên tổng số 18.000 công nhân. Tình hình khó khăn quá vì thiếu người làm...” - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt- May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết.

Chia sẻ thông tin về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất của đơn vị, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp May Minh Hà Mai Xuân An cho hay: Chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn vì Covid-19. Hiện giờ toàn bộ hệ thống quản lý của đơn vị bị dính F0; công nhân cũng mắc Covid, đến nay tổng số hơn 100 người bị F0.

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) May mặc Việt Pacific cũng đang trải qua đợt cao điểm dịch Covid-19 với trên 50% công nhân phải nghỉ cách ly theo diện F0 và F1 (trong đó có 400 F0 trên tổng số 1.200 người (chiếm hơn 33%), khiến dây chuyền sản xuất thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất và tiến độ giao hàng.

Doanh nghiệp xoay xở đủ cách khắc phục việc thiếu hụt nhân lực vì dịch bệnh
Công ty TNHH ĐIện Stanley Việt Nam thực hiện lại phương án "3 tại chỗ" để tránh lây lan dịch bệnh và tìm nhiều giải pháp khắc phục thiếu hụt nhân lực làm việc vì dịch bệnh

Biết rằng khi nhiều công nhân F0 nghỉ ở nhà điều trị Covid-19 ảnh hưởng tới đơn hàng; nhưng Công ty vẫn tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi, hỗ trợ về vật chất và giải quyết chế độ nghỉ ốm đau theo quy định. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực sản xuất, Công ty thực hiện tăng giờ làm thêm và bố trí người lao động ở tổ này hỗ trợ tổ khác có nhiều người F0 nghỉ cách ly điều trị.

“Từ năm 2020 đến đầu năm 2022, chúng tôi vẫn hỗ trợ tiền lương tối thiểu cho công nhân bị F0 là 170.000 đồng/ngày. Công nhân bị Covid-19 sẽ được thanh toán hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội và được Công đoàn thăm hỏi, giúp đỡ” – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Việt Pacific Nguyễn Tràng Huy cho hay.

Xoay xở đủ cách để khắc phục

Qua nắm bắt tình hình thực tế các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cũng cho biết, số công nhân bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp buộc các doanh nghiệp phải thay đổi các phương án sản xuất để đảm bảo các hợp đồng đã ký với khách hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp đã tiếp tục đề ra giải pháp khắc phục sự thiếu hụt lao động như điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ cho nhau, cho công nhân làm thêm giờ với mức lương 150-200%.

Chẳng hạn như tại Công ty TNHH Lixil Việt Nam hiện có tổng số 523/ 2235 người lao động (chiếm 23,4% tổng nhân sự) đang thực hiện cách ly, trong đó có 298 F0 và 225 F1. Một số bộ phận sản xuất có lao động phải nghỉ do Covid-19 lên tới 45%.

“Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực làm việc, chúng tôi phải tăng giờ làm thêm và sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, chia các mã hàng theo thứ tự ưu tiên, ví dụ các hàng hóa phải giao cho khách, các dự án đã kí hợp đồng phải đảm bảo sản xuất thì được ưu tiên tập trung nhân lực để thực hiện.

Việc gia tăng F0 không chỉ khiến năng lực sản xuất bị giảm mà còn làm tăng chi phí làm thêm giờ, hỗ trợ lương cho đối tượng cách ly nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”- ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lixil Việt Nam cho biết. Ông Toản cũng bày tỏ hy vọng đỉnh dịch sẽ qua nhanh và cho biết thêm, hiện 99% người lao động Công ty đã tiêm mũi 3.

Tại Công ty TNHH May Phù Đổng (huyện Gia Lâm), bà Nguyễn Thị Thu Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, dịch bệnh căng thẳng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của Công ty. Tính từ ngày 17/2 đến nay, lúc cao điểm, số ca F0 trong Công ty lên tới trên 50%. Tuy vậy, ban lãnh đạo Công ty đã tìm mọi giải pháp để duy trì sản xuất, đảm bảo không bị đứt gãy.

“Chúng tôi tăng giờ làm thêm và bố trí thu gọn dây chuyền sản xuất theo số lượng người có thể đi làm, đảm bảo việc sản xuất vẫn được duy trì liên tục. Đến nay, tình hình đang dần trở lại bình thường khi các công nhân đang dần vượt qua dịch bệnh, trở lại làm việc”- bà Thu Giang cho biết.

Còn tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam hiện nay có tổng số 681 công nhân phải cách ly y tế, chiếm 29% tổng nhân sự của Công ty, trong đó có 370 người là F0, 311 người là F1. Để khắc phục sự thiếu hụt lao động, Công ty đã điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ cho nhau, bố trí làm thêm giờ.

Đặc biệt, Công ty tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện lại phương án “3 tại chỗ” để tránh công nhân bị lây nhiễm từ người thân trong gia đình. 100% công nhân của doanh nghiệp đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin ngừa Covid-19.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này