Học sinh, sinh viên khó khăn có thể được vay tối đa 10 triệu đồng để mua máy tính

18:49 | 03/03/2022
Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định đối với hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.
Cải thiện đời sống gia đình từ nguồn vốn vay ưu đãi Tăng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng

Dự thảo Quyết định cho biết, máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến quy định tại Quyết định này bao gồm: Máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone).

Đối tượng được vay vốn là học sinh các cấp đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Những đối tượng học sinh, sinh viên nêu trên không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nkhó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp mất do dịch Covid-19).

Học sinh, sinh viên khó khăn có thể được vay tối đa 10 triệu đồng để mua máy tính
Đối tượng được vay vốn là học sinh các cấp có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa (ảnh: VGP)

Dự thảo quy định phương thức cho vay thông qua hộ gia đình với đại diện hộ gia đình (đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự) là người đứng tên vay vốn; trường hợp đối tượng vay là sinh viên, nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự thì sinh viên trực tiếp đứng tên vay vốn (nếu sinh viên đã đủ 15 tuổi).

Mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Theo cơ quan soạn thảo, qua khảo sát trên thị trường có nhiều sản phẩm máy tính hoặc thiết bị điện tử đáp ứng các điều kiện phần cứng nêu trên với nhiều mức giá thành khác nhau.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có ý kiến để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến thì mức cho vay tối đa nên để ở mức 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên.

Lãi suất cho vay dự kiến là 1,2%/năm. Mức lãi suất này căn cứ theo mức cho vay ưu đãi nhất đối với cá nhân tại các chương trình tín dụng hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, việc quy định một mức lãi suất 1,2%/năm thay vì 0%/năm sẽ giúp hạn chế tâm lý ỷ lại, gắn trách nhiệm của người vay đối với việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Thời hạn vay vốn tối đa là 36 tháng. Riêng đối với trường hợp sinh viên trực tiếp đứng tên vay vốn, khi hết thời hạn vay vốn tối đa 36 tháng mà chưa đến thời điểm kết thúc khóa học thì thời hạn vay vốn được tính từ ngày vay đến hết 12 tháng sau khi sinh viên kết thúc khóa học.

Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng, từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Trong thời gian chưa huy động được vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Ngân hàng Chính sách xã hội được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để cho vay.

Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc thời điểm thông báo hết nguồn vốn cho vay nêu trên, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Do đó, gói tín dụng cho học sinh, sinh viên mua máy tính có thể sử dụng nguồn vốn 38,4 nghìn tỷ đồng từ phát hành bổ sung trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nêu trên, với tổng hạn mức nguồn vốn giải ngân tối đa là 3.000 tỷ đồng, thời hạn giải ngân nguồn vốn cho vay đến hết năm 2023 để phù hợp với thời gian chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Bên cạnh đó, Dự thảo Quyết định cũng quy định việc Ngân hàng Chính sách xã hội được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để cho vay trong khi chưa huy động được vốn trái phiếu, nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cân đối nguồn vốn.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này