Đề xuất cho phép nhiều đơn vị được tham gia cấp phép phân loại phim

14:55 | 03/03/2022
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), với nhiều nội dung quan trọng.
Những tựa phim đình đám vén bức màn bí mật về giới thời trang cao cấp xa xỉ Các rạp và Trung tâm chiếu phim cần khử khuẩn trước và sau mỗi buổi chiếu Rạp chiếu phim sẵn sàng đón khách trở lại

Tách bạch giữa các hành vi bị cấm tuyệt đối và bị cấm tương đối

Dự thảo Luật quy định các nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh là căn cứ để thẩm định phim. Tuy nhiên, quy định này chưa tách bạch rõ ràng giữa các hành vi bị cấm tuyệt đối và các hành vi bị cấm tương đối.

VCCI cho rằng, theo kinh nghiệm ở các lĩnh vực khác, các hành vi cấm được phân thành 2 hình thức. Thứ nhất là hành vi cấm tuyệt đối, là những hành vi vi phạm lợi ích công cộng (chẳng hạn tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động chiến tranh, bạo lực, xuyên tạc sự thật lịch sử, dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan).

Loại thứ hai là hành vi bị cấm tương đối, là những hành vi có nội dung vi phạm lợi ích tư nhân, như xúc phạm cá nhân, tổ chức hay tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân. Các hành vi này chỉ nên bị cấm nếu không được cá nhân, tổ chức đó đồng ý.

Đề xuất cho phép nhiều đơn vị được tham gia cấp phép phân loại phim
Ảnh minh họa: Nhiều bộ phim dài tập trên VTV3 thu hút lượng lớn khán giả

Cụ thể, theo VCCI, nếu cá nhân, tổ chức có yêu cầu cho rằng nội dung đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình, thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu cơ sở điện ảnh không được phổ biến nội dung đó nữa. Trường hợp cá nhân, tổ chức không phản đối thì những nội dung có dạng như trên vẫn được phép sản xuất, phổ biến và phát hành.

Do vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định về các hành vi bị cấm theo hướng tách bạch thành hai loại như trên. Đồng thời, bổ sung quy định về phương án xử lý với từng loại nội dung vi phạm, chẳng hạn cho phép thực hiện phương thức kiện bồi thường thiệt hại với loại nội dung bị cấm tương đối.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được cấp phép bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó trọng tâm có thẩm định kịch bản phim và yêu cầu cam kết nội dung phim không vi phạm nội dung bị cấm.

VCCI cho rằng, quy định này chưa thật sự phù hợp. Vì nội dung bị cấm tại Điều 9 Dự thảo Luật tương đối rộng, không chỉ kiểm soát về mặt lịch sử, chính trị mà còn kiểm soát các nội dung nghệ thuật khác - vốn chỉ phù hợp với quan điểm, tư tưởng Việt Nam. Trong khi đó, các nhà làm phim nước ngoài có quan điểm sáng tạo nghệ thuật riêng và được chấp nhận ở nước họ. Do đó, quy định này có thể sẽ trở thành một rào cản đối với nhà làm phim nước ngoài muốn thực hiện cảnh quay tại Việt Nam, đặc biệt với các phim có nhu cầu sử dụng chủ yếu các địa điểm tại Việt Nam.

Vì vậy, theo VCCI, cần thiết kế thủ tục cấp phép đặc biệt đơn giản và gọn nhẹ, thậm chí việc kiểm soát các tình tiết về mặt lịch sử, chính trị có thể thực hiện thông qua việc yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cho đoàn làm phim thực hiện kiểm duyệt trước khi cung cấp dịch vụ (tự thực hiện hoặc thuê người có chuyên môn). “Đề nghị rà soát, cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến việc cấp phép và kiểm duyệt kịch bản phim của đoàn làm phim nước ngoài”, văn bản góp ý của VCCI nêu rõ.

Cần khoảng thời gian hợp lý để xử lý nội dung vi phạm

Dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đó, Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải dừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền do cung cấp nội dung vi phạm.

Theo VCCI, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu doanh nghiệp phải dừng toàn bộ dịch vụ (chẳng hạn như dịch vụ truyền hình OTT, hoặc dịch vụ xem video…). Trong khi đó, nội dung vi phạm đã bị gỡ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước, nên việc dừng dịch vụ sẽ không giải quyết được vấn đề, mà lại gây thiệt hại rất lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định này.

Dự thảo Luật cũng quy định yêu cầu doanh nghiệp gỡ phim vi phạm ngay khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước. VCCI cho rằng, quy định này dường như chưa khả thi vì khoảng thời gian này quá ngắn để doanh nghiệp có thể tiếp nhận thông tin và xử lý.

Theo kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác khi quản lý trên không gian mạng, cơ quan quản lý thường cho phép doanh nghiệp một khoảng thời gian hợp lý để xử lý nội dung vi phạm, chẳng hạn Luật An ninh mạng cho phép 24h, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP cho phép 3h…

Về thẩm quyền cấp phép phân loại phim trong Dự thảo, VCCI đề nghị cân nhắc chuyên nghiệp hóa việc cấp phép theo hướng cho phép nhiều đơn vị được tham gia công tác cấp phép và Nhà nước đóng vai trò kiểm tra, giám sát.

Theo VCCI, một mô hình có thể cân nhắc tại thời điểm này là giao cho các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Hiện nay, cả nước có khoảng 70 đài truyền hình, đã được giao nhiệm vụ kiểm duyệt phim trên hệ thống đài mình, đã có kinh nghiệm trong việc xét duyệt nội dung phim.

Do vậy, có thể mở rộng năng lực của các nhà đài cho việc phân loại phim chiếu rạp. Cụ thể, giao trách nhiệm cấp Giấy phép phân loại phim cho các cơ quan báo chí đã có giấy phép phát thanh - truyền hình và Nhà nước quản lý thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim và kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp phép.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này