Đừng để lãng phí đất đai

11:55 | 03/03/2022
(LĐTĐ) “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Hiến pháp và Luật Đất đai nước ta đã quy định rõ như vậy. Do đó, nhiệm vụ của chính quyền (tỉnh, thành phố) là phải có sự quản lý về đất đai khoa học, vừa phát huy hiệu quả sử dụng đất, tránh tối đa việc sử dụng lãng phí hoặc tiêu cực gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài.
Hạn chế sử dụng lãng phí đất đai Nước rút cổ phần hóa: Đừng để lãng phí đất đai
Đừng để lãng phí đất đai
Ảnh minh họa.

Bàn về không gian phát triển, tại hội thảo về lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Chúng ta có 63 nền kinh tế địa phương giống nhau nhưng độc lập và tách rời. Đây là nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm nay mà chưa thể khắc phục. Không thể phát triển khi mà không gian kinh tế bị chia cắt như vậy…

Chính sự chia cắt này đang gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, hình thành xu hướng đua tranh không lành mạnh, thậm chí là “cạnh tranh cùng xuống đáy” giữa các tỉnh trong thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư”. Đây không phải là lần đầu tiên một thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực kế hoạch- đầu tư phải “thốt” lên như vậy, mà ngay từ hàng thập kỷ trước, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về hiện tượng các địa phương chạy đua thu hút đầu tư dẫn đến địa phương nào cũng có nhà máy bia, xi măng… Còn nay đâu đâu cũng sân golf, quần thể du lịch.

Nhìn từ góc độ quy hoạnh và chọn lựa đầu tư như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại nhớ về câu chuyện quy hoạch và thu hút đầu tư tại bãi đất ven biển đang bỏ trống trơ nơi quê nhà. Quê tôi làng chài ven biển thuộc xứ Thanh, trước đây là huyện, nhưng gần 2 năm qua đã được nâng cấp lên thị xã Nghi Sơn. Ngoài vùng lõi phục vụ cho công nghiệp nặng (lọc hóa dầu, luyện thép, cảng biển) thì các vùng lân cận ven biển ở đâu cũng thấy mọc lên các dự án du lịch.

Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh để phát triển kinh tế là đúng. Nhưng quan trọng hơn là cách thức triển khai. Tôi nhớ những năm 2019-2020, người dân các thôn Phú Đông, phường Hải Lĩnh cứ bàn tán xôn xao chuyện nhà đầu tư đến “lấy đất” làm khu du lịch. Người thì đồng thuận, người thì cho rằng việc đến bù chưa thỏa đáng… cuối cùng mọi chuyện cũng đã được chính quyền giải quyết ổn thỏa. Mấy héc ta đất ven biển đã được bàn giao cho doanh nghiệp… Song đến nay, dự án vẫn nằm im bất động. Trong khi, cả cánh rừng phi lao vốn để chắn gió, chắn bão cho làng mạc thì đã bị đốn trơ trọi.

Không đi sâu vào dự án này mà chỉ thông qua dự án điển hình này để nhấn mạnh về vấn đề quy hoạch và chọn lựa đầu tư. Lẽ ra, đối với khu kinh tế Nghi Sơn, Thị xã Nghi Sơn hiện nay (huyện Tĩnh Gia) trước đây, ngoài vùng lõi là khu công nghiệp Nghi Sơn đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, thì đối với các vùng khác, chính quyền phải thuê tư vấn lập quy hoạch chi tiết. Vùng nào sẽ phát triển du lịch, vùng nào phát triển công nghiệp, vùng nào làm nông nghiệp… từ đó tổ chức hội nghị để xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng đến làm ăn.

Làm như thế tránh được sự manh mún trong đầu tư, đâu đâu cũng đầu tư lĩnh vực na ná giống nhau, người dân thì có đầy đủ thông tin về quy hoạch. Còn đa số hiện nay trên địa bàn cả nước, hễ ở đâu có đất, doanh nghiệp (nhà đầu tư) tìm đến, thấy hợp lý sẽ làm kế hoạch trình lên chính quyền tỉnh, thành phố chủ trương đầu tư. Hệ quả, đất đai bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả về kinh tế vì đầu tư manh mún.

Còn nhìn ở góc độ quốc gia, nếu không có quy hoạch tổng thể như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì tới đây sẽ tiếp tục xuất hiện tình trạng địa phương nào cũng phát triển du lịch và cấp phép sân golf! Hy vọng, tới đây nếu Luật Đất đai được sửa đổi sẽ chấm dứt được tình trạng này.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này