Giá xăng tăng mạnh, sử dụng xe buýt thay cho phương tiện giao thông cá nhân: Tại sao không?

16:06 | 02/03/2022
(LĐTĐ) Gần đây, trước tình hình biến động của thị trường thế giới, xăng dầu trong nước liên tục tăng giá, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân tại Hà Nội. Xăng tăng cao, nhiều người nghĩ đến việc tìm các phương tiện công cộng để di chuyển nhằm giảm chi phí đi lại.
Siêu thị gồng mình giữ giá hàng hóa trước tác động tăng giá xăng dầu Giá xăng tiến sát mốc 27.000đồng/lít từ 15h ngày 1/3

Xe buýt là lựa chọn tối ưu

Giá xăng tăng cao, đạt ngưỡng kỷ lục tạo áp lực lên đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh. Đó là điều ai cũng thấy rõ. Anh Nguyễn Thành Trang (sinh năm 1991), chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện ở Hào Nam cho biết, nhà riêng của anh ở Hà Đông, trước kia bản thân anh rất ít quan tâm đến lựa chọn phương tiện để đi lại. Cứ ra đường là lên xe máy, đổ xăng và đi. Đơn giản là vì giá xăng dầu còn rẻ.

Nhưng nay đối diện với một thực tế khác, xăng liên tục tăng cao buộc anh Trang phải tính toán lại chi phí di chuyển. “Nếu cứ đi xe máy thoải mái như trước, thì chi phí chi cho tiền xăng sẽ ăn hết tiền cơm. Tôi đang cân nhắc sẽ di chuyển từ nhà lên cửa hàng bằng xe buýt, như thế vừa đảm bảo an toàn lại tiết kiệm chi phí” – anh Nguyễn Thành Trang chia sẻ.

Giá xăng tăng mạnh, sử dụng xe buýt thay cho phương tiện giao thông cá nhân: Tại sao không?
Xe buýt Hà Nội đã có sự lột xác mạnh mẽ, từ số lượng và chất lượng dịch vụ có sự cải thiện vượt bậc.

Theo tìm hiểu, anh Trang chỉ là một trong số nhiều người lao động đã và đang cân nhắc sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn khi chi phí xăng dầu tăng quá cao. Chị Nghiêm Thị Quyên (sinh năm 1986), một nhân viên văn phòng tại Văn Quán, Hà Đông cho biết, nếu tính toán chi tiết, trước đây một người đi xe máy như chị đổ xăng trung bình từ 65.000–70.000 đồng/lần và đi được trong gần một tuần, thì nay sẽ phải mất ít nhất 90.000 đồng/lần đổ xăng. Theo chị Quyên, nếu cứ sử dụng xe máy để đi làm, mỗi tháng số tiền chi cho xăng xe đã tốn một khoản không nhỏ, đó là chưa kể các chi phí khác như tiền phòng trọ, chi phí sinh hoạt… trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, chị Quyên đã cân nhắc và chuyển hẳn sang đi lại bằng xe buýt.

Giống như chị Quyên, em Lương Thị Trang, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, với giá xăng dầu đắt đỏ ngày càng tăng như hiện nay, nếu sử dụng phương tiện công cộng thì sẽ góp phần giảm một khoản chi phí không nhỏ để sử dụng vào mục đích khác. “Đối với sinh viên như em thì việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng đổ xăng mỗi tháng em thấy khá phí vì em có thể đi xe buýt đi học. Em đã quyết định chọn xe buýt di chuyển để đi học cho tiết kiệm, chỉ dùng xe máy khi thật cần thiết…” – em Lương Thị Trang chia sẻ.

Cú hích cho phương tiện vận tải công cộng

Thực tế, ít năm trở lại đây, xe buýt Hà Nội đã có sự lột xác mạnh mẽ, từ số lượng và chất lượng dịch vụ có sự cải thiện vượt bậc. Nếu như trước kia người ta thường nghĩ đến xe buýt là một điều gì đó ngột ngạt, mất thì giờ, dễ bị trộm cắp tài sản…. thì nay xe buýt đã sạch sẽ, nhanh, an toàn và văn minh. Mọi người không còn thấy cảnh khách đứng chen chúc, căng thẳng đội mưa đội nắng chờ cả tiếng đồng hồ ở điểm chờ mới lên được xe buýt như trước kia bởi trung bình cứ 5, 10, 15 phút là lại có một chuyến buýt ghé các điểm.

Đáng chú ý, số lượng xe buýt trên địa bàn Thủ đô tăng, nhiều tuyến được mở mới, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành, xe buýt Hà Nội hiện đã về đến các xã xa xôi nhất. Nhờ vậy người dân ngoại thành thuận tiện hơn như đi buôn bán có thể sáng đi tối về; sinh viên cũng có thể đi về, đỡ phải ở trọ chật chội, người già có thể tự đi khám bệnh…

Giá xăng tăng mạnh, sử dụng xe buýt thay cho phương tiện giao thông cá nhân: Tại sao không?
Xăng tăng cao, nhiều người nghĩ đến việc tìm các phương tiện công cộng để di chuyển nhằm giảm chi phí đi lại.

Được biết, vé xe buýt có trợ giá cũng tương đối rẻ, trung bình một lượt đi buýt giá vé trên địa bàn Hà Nội hiện không quá 10.000 đồng, phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Ví dụ, một người đi làm bằng phương tiện cá nhân, hàng ngày đi khoảng 10km đến chỗ làm, chỗ học tiêu thụ khoảng 1 lít xăng, tương đương gần 27.000 đồng. Trong khi đó, giá xe bus hiện nay, kể cả tuyến buýt BRT cũng chỉ 7.000 đồng cho từng đó quãng đường. Như vậy đã giảm được một nửa chi phí. Nhìn tổng thể, việc sử dụng xe buýt sẽ tiết kiệm được khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng. Nếu người dân sử dụng vé tháng, thì chi phí này còn giảm nhiều hơn.

Ở câu chuyện giá xăng tăng mạnh, trên góc nhìn chuyên gia, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, đây cũng là tiền đề giúp người dân đưa ra định hướng và lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng thay vì sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Để xe buýt ngày càng hấp dẫn hành khách, các cơ quan chức năng Hà Nội đã nỗ lực cải thiện từ hạ tầng tới văn hóa giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ. Vấn đề nâng cao năng lực vận tải, hạ tầng đã khá tốt và cần tiếp tục được nâng lên để kết nối, xây dựng thành phố thông minh. Người dân cũng coi đây là trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, phát triển văn hóa xe buýt, đồng thời tự bảo vệ mình an toàn, phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19, đang rất phức tạp ở Hà Nội” - nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

“Vận tải công cộng trên địa bàn Hà Nội chúng ta đang phát triển, ngoài mạng lưới xe buýt phủ rộng khắp, chúng ta đã có đường sắt trên cao hoạt động, đây là điều người dân Thủ đô rất phấn khởi. Tuy nhiên, không may là dịch Covid-19 phức tạp, một số nước có chiến tranh… điều này khiến giá xăng dầu tăng cao và chúng ta cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng từ vòng xoáy đó.

Với vận tải thì điều này gây áp lực và khó khăn lớn. Trong bối cảnh này, người dân sẽ phải tìm và tự tính toán, hướng đến việc di chuyển bằng loại hình, phương tiện phù hợp và rẻ nhất. Với xe buýt, đây là cú hích bởi người dân sẽ có sự lựa chọn tối ưu, lựa chọn đi xe buýt nhiều hơn bởi những tiện ích xe buýt mang lại” - ông Nghiêm Quốc Thắng chia sẻ.

Có chung quan điểm này, theo Nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp tổ chức nhận định, việc người dân lựa chọn và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng là xe buýt có nhiều ưu điểm. Trước hết là người dân tiết kiệm được chi tiêu, tạo ra thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong xã hội, tiết kiệm xăng dầu cho cả nước, góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông.

“Điều đáng mừng của đông đảo người dân là xe buýt đã “vươn tay” đến các huyện ngoại thành Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Với giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, thì đi xe buýt là một trong những lựa chọn tốt, vừa an toàn, tiết kiệm, phòng chống ô nhiễm môi trường” - nhà văn Nguyễn Văn Học nhấn mạnh.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này