F0 tự chữa tại nhà nhưng không khai báo với y tế, chính quyền là vi phạm pháp luật

11:34 | 02/03/2022
(LĐTĐ) Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội liên tục tăng cao, đã có ngày trên 10.000 ca mắc Covid-19. Trong đó, một số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng đã chủ quan cho rằng, đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 thì sẽ không nguy hiểm nên tự điều trị và không thông báo cho cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác kiểm soát và dập dịch.
Lặng thầm chung sức chăm sóc các F0 điều trị tại nhà Hà Nội: Xử lý nghiêm “loạn giá” test Covid, thêm hình thức tiếp cận chăm lo F0

Chiều 1/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18h ngày 28/2 đến 18h ngày 1/3 Hà Nội ghi nhận 13.323 ca bệnh (5.214 ca cộng đồng; 8.109 ca đã cách ly). Có thể thấy, những ngày gần đây, số ca F0 tại Hà Nội được công bố liên tục "lập đỉnh".

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp F0 (không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ) không khai báo y tế với cơ quan chức năng. Một số người cho rằng, họ không khai báo y tế vì không muốn phiền phức, không muốn phải tiếp tục bị cách ly, phải nghỉ việc… Thay vì khai báo y tế, họ tự tìm hiểu thông tin để điều trị cho mình.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, hầu hết các ca F0 cho phép điều trị tại nhà đều triệu chứng nhẹ, chỉ sau 7 đến 10 ngày là khỏi bệnh. Quy định bắt buộc F0 và thành viên trong gia đình có người F0 đều không được ra khỏi nhà, mục tiêu là để kiểm soát, hạn chế lây lan cộng đồng. Nhưng, thực tế không thể quản lý hết tất cả số ca F0 trong cộng đồng.

Vợ chồng anh N.Đ.K (tiểu thương một chợ đầu mối quận Nam Từ Liêm) đã nghỉ phòng dịch hơn 2 tháng nay, giờ trở lại cuộc sống bình thường tranh thủ làm để kiếm thu nhập, bù lại thời gian bấp bênh trước Tết. "Giờ tiêm 3 mũi vắc xin ngừa Covid-19 rồi, có nhiễm cũng nhẹ. Hơn nữa, sống chung với dịch, lây nhiễm là bình thường", anh K cho biết.

Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai rất tốt chiến dịch tiêm phủ vắc xin, nhờ đó đã kịp thời trang bị cho người dân một tấm "lá chắn" bảo vệ đắc lực khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 bùng phát.

Cũng từ đây, những suy nghĩ bất cần như: "Tiêm ba mũi rồi; nhiễm Covid cũng nhẹ thôi; kiểu gì chẳng dính...", cùng với việc nhiều người dân phản ánh không liên hệ được trạm y tế xã, phường để khai báo sau khi phát hiện dương tính... đã tạo nên tâm lý các F0 (không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ), không bận tâm đến việc khai báo y tế, không tự cách ly mà vẫn tiếp tục đi làm, sinh hoạt bình thường.

Theo các chuyên gia y tế, F0 không khai báo sẽ gây hại cho bản thân mình, hại cho người thân và sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Bởi, F0 là người mang virus trong người, khi di chuyển nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, làm việc chung với nhiều đồng nghiệp thì việc lây nhiễm là không thể tránh khỏi. Khi đó, số lượng ca nhiễm xảy ra trên diện rộng và đồng loạt, virus có cơ hội sẽ nhân lên nhiều lần, sẽ xảy ra đột biến như Omicron hay một biến thể mới nào đó, rất nguy hiểm. Mặt khác, dịch Covid-19 diễn biến rất khó lường, các triệu chứng có thể chuyển thành bệnh nặng rất nhanh, nếu ở nhà tự điều trị sẽ không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

F0 tự chữa tại nhà nhưng không khai báo với y tế, chính quyền là vi phạm pháp luật
F0 không khai báo gây khó khăn cho địa phương, ngành y tế trong công tác giám sát, quản lý...

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay bước sang giai đoạn mới “thích ứng - an toàn - linh hoạt”, không còn phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, tầm soát như trước đây. Tuy nhiên, chấp nhận sống chung với dịch, không có nghĩa là người bệnh (F0) bỏ qua quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đắc Long, Chủ tịch UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho rằng, việc F0 tự điều trị mà không khai báo gây khó khăn cho địa phương, ngành Y tế trong công tác giám sát, quản lý, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi rác thải của những F0 này không được xử lý đúng quy trình.

"Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca nhiễm cộng đồng vẫn đang gia tăng thì việc khai báo y tế là trách nhiệm của mỗi người, giúp cho ngành Y tế địa phương kịp thời ứng phó khi xuất hiện những ổ dịch mới, hướng dẫn cách ly, theo dõi những người có liên quan (F1) nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền nặng...", ông Nguyễn Đắc Long, nhấn mạnh.

Đối chiếu với những văn bản luật, theo luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thông tin, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với Trạm y tế. Đặc biệt là đối với người bị nhiễm Covid-19 có tham gia Bảo hiểm xã hội, chủ động khai báo y tế để có được Giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19/Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp các giấy xác nhận trên và sẽ đánh mất quyền lợi này. Ngoài ra, việc khai báo với Trạm y tế cũng là cần thiết để người dân được hướng dẫn về cách thức cách ly, điều trị.

Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà không khai báo y tế còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo luật sư Phạm Hải Long, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Quyết định 219/QĐ-BYT. Tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

"Do đó, người bị mắc Covid-19 phải khai báo y tế với Trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đang sinh sống và điều trị. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ bắt buộc đối với F0", luật sư Phạm Hải Long cho biết.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này