Triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên trì mục tiêu chất lượng

17:48 | 28/02/2022
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tránh đứt gẫy hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng.
Hà Nội: Học sinh lớp 1-6 tại 18 huyện, thị xã ngoại thành chuyển sang học online từ ngày 28/2Khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức bán trú khi học sinh đi học trở lạiBan hành Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở cửa trường học trở lại an toàn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục
Học sinh đi học trực tiếp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước về công tác mở cửa trường học trở lại, Bộ GD&ĐT cho rằng, chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp đảm bảo an toàn nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh học sinh và các chuyên gia ủng hộ. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt.

Để đảm bảo chất lượng học tập được tốt nhất khi học sinh quay trở lại trường học sau một thời gian dài tạm dừng đến trường, học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo tâm lý cho học sinh khi các em đến trường; thầy, cô giáo có ứng xử phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất việc sang chấn tâm lý khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trở lại cũng gặp một số khó khăn như số F0 là giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp tục có diễn biến phức tạp. Một số địa phương có quan điểm khác nhau trong phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục. Một bộ phận phụ huynh học sinh chưa yên tâm cho con đi học trực tiếp, nhất là đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học (đối tượng chưa được tiêm vắc xin). Cùng với đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu. Kinh phí mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn thiếu.

Để công tác mở cửa trường học trở lại thực sự an toàn và có chất lượng, Bộ GD&ĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, giáo dục thường xuyên ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cùng đó, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ mầm non, học sinh đến trường bảo đảm an toàn; quan tâm đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học…

Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị với Bộ Y tế chuẩn lại cách phân loại F0, F1 theo tình hình thực tế hiện nay khi vắc xin đã phủ rộng để ổn định tâm lý xã hội.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này