Gấp rút giảm tải cho y tế tuyến cơ sở

11:38 | 01/03/2022
(LĐTĐ) Với hơn 10.000 ca mắc Covid-19/ngày, nhiều trung tâm y tế xã, phường của Hà Nội đã rơi vào tình trạng quá tải, không đủ nhân lực chăm sóc cho F0 đang chữa bệnh tại nhà. Để giải bài toán này trước dự báo 2 tuần tới là đỉnh dịch, thành phố Hà Nội đã đưa ra các biện pháp ứng dụng công nghệ nhằm gấp rút giảm tải cho y tế tuyến cơ sở.
Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở tại 13 tỉnh Bắt đầu từ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở

F0 tự xoay xở, không liên hệ được trung tâm y tế

Dù đã có kế hoạch cũng như quy định trong việc theo dõi F0 tại nhà, nhưng thực tế hiện nay nhiều F0 vẫn khó tiếp cận với y tế cơ sở dẫn đến hoang mang trong việc điều trị.

Chị P.T.N. (Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngày 24/2, chị bắt đầu có triệu chứng sốt, ho, đau họng. Sau khi test nhanh cho kết quả dương tính, chị N. tìm cách liên lạc với trung tâm y tế phường. Tuy nhiên, việc liên hệ với cơ sở y tế của chị vô cùng khó khăn khi số điện thoại, hotline đều báo bận liên tục. Chị N. phải gọi đến lần thứ 5 thì mới gặp được nhân viên y tế và tư vấn trong vòng gần 1 phút.

Gấp rút giảm tải cho y tế tuyến cơ sở
F0 tăng nhanh, người dân xếp hàng mua thuốc tự chữa tại nhà.

“Cuộc gọi đầu tiên, nhân viên y tế nói rằng kết quả tự test nhanh của tôi không được công nhận là F0, tôi phải đến trung tâm y tế để test hoặc có kết quả xét nghiệm PCR-RT. Được khuyến cáo test tại trung tâm y tế sẽ lâu và đông nên tôi chọn phương án xét nghiệm PCR-RT rồi gửi kết quả qua Zalo. Tin nhắn đã gửi đi đã lâu nhưng tôi chưa được phản hồi”, chị N. nói.

Đến nay, mặc dù đã trải qua 5 ngày tự chữa Covid-19 tại nhà nhưng chị N. vẫn chưa nhận được hướng dẫn điều trị, hướng dẫn các thủ tục cần thiết từ nhân viên y tế hay được nhận bất kì túi thuốc nào.

Còn chị V.T.H. (quận Cầu Giấy) chia sẻ, gia đình chị hiện có 4 F0, test nhanh cho kết quả dương tính, chị lựa chọn không báo với trung tâm y tế phường vì gọi nhiều lần không được. Chị H. cho hay chị đã khai báo trên ứng dụng và cứ đợi có người gọi để được tư vấn và hỗ trợ nhưng vẫn không thấy có cuộc gọi hay tin nhắn nào từ y tế cơ sở.

Nghĩ rằng việc kết nối sẽ gặp khó khăn do F0 tăng nhanh, phường quá tải, mà có gọi cũng “chưa chắc đã đến lượt” nên chị H. đã tìm thông tin trên các hội, nhóm mạng xã hội; gọi cho bạn bè, người thân từng mắc Covid-19 để xin kinh nghiệm tự điều trị tại nhà.

Suốt hơn 1 tháng qua, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19. Trong ngày 27/2, Hà Nội ghi nhận hơn 11.517 ca mắc Covid-19, bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, 95% tổng số ca nhiễm được theo dõi và điều trị tại nhà.

Con số này đang ngày một tăng nhanh trong khi nhân lực tại các trung tâm y tế lại rất mỏng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến đội ngũ nhân viên y tế. Cùng với đó là các quy định chưa nhất quán khiến cả nhân viên y tế tại địa phương và người dân lúng túng.

Vừa qua, những người mắc Covid-19 đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai báo là F0 hoặc đã khỏi xin giấy xác nhận để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội bởi cách làm của mỗi nơi một kiểu.

Hầu hết trạm y tế phường của Hà Nội đang áp dụng hình thức cho F0 khai báo online bằng cách chụp ảnh hoặc quay quá trình xét nghiệm rồi gửi video qua Zalo. Có nơi chỉ yêu cầu người dân nhắn tin ghi thông tin và xác nhận đã mắc Covid-19. Tuy nhiên, một số nơi ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa... vẫn yêu cầu người dân phải ra trạm y tế để xét nghiệm rồi lấy giấy xác nhận.

Một số đơn vị đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã phường. Điển hình, quận Hà Đông cho biết, số ca F0 đang gia tăng nhưng trên địa bàn nhiều trạm y tế phường có 50% lực lượng là F0, nhiều F1.

Quận Nam Từ Liêm cũng đề xuất Thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân phải tiếp tục tích cực hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương; bảo hiểm xã hội linh hoạt trong việc chi trả bảo hiểm cho các F0 khỏi bệnh nhanh nhất, vẫn đảm bảo chủ động lực lượng tại cơ sở…

Có thể chứng nhận online cho F0

Để giải bài toán quá tải các đơn vị đã nêu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện, thị xã cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung Thành phố đã làm việc: Điều trị bệnh nhân tầng 2,3; dành ít nhất 50% số giường điều trị… Khi đó, Sở sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được tiếp nhận ngay trên địa bàn.

“Việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp - nghĩa là thực hiện online cũng được. Bên cạnh đó các xã phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng bảo hiểm xã hội), cần huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời. Phải ứng dụng công nghệ tối đa”, bà Hà nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh thêm vai trò của lãnh đạo các quận huyện, xã phường và yêu cầu phải vào cuộc sáng tạo,linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương. Thực tế có nơi lúng túng, có nơi vẫn làm tốt. Thời gian tới, các kiến nghị phải đề xuất nhanh nhất qua điện thoại, email, đảm bảo tư vấn hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịchUBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, diễn biến dịch Covid-19 hiện nay rất phức tạp. Theo các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng tới tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

“Thành phố cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ kết hợp với ý thức người dân…”, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phân tích, việc quá tải là dễ thấy khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung giảm tối đa các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm trong khi vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi. Bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm dịch với lực lượng tuyến đầu…

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu giải pháp: “Cần phải sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm Covid-19 hiệu quả nhất. Khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đấy; yêu cầu liên ngành y tế, thông tin và truyền thông, các cơ quan liên quan, nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các vướng mắc”.

Đối với hệ thống y tế cơ sở, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị cần kiểm soát thường xuyên hằng ngày; định lượng rõ, một cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0. Có chỉ tiêu cụ thể, từ đó sẽ định lượng rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày để điều phối, hỗ trợ kịp thời. Chú trọng vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể…

Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chủ trì lập ngay Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Thành phố với đầu mối rõ, gọn nhẹ nhất để kiểm tra, báo cáo hàng ngày các phần việc cụ thể mọi mặt công tác “nóng” như những hướng dẫn thích ứng, kiểm soát nhóm nguy cơ cao, số liệu chuyển tầng, điều trị tại cơ sở y tế hàng ngày…/.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này