Bánh chưng rán

08:50 | 03/03/2022
(LĐTĐ) Năm nào cũng vậy, sau rằm tháng Giêng, trong các món ăn còn dư lại sau Tết, bao giờ cũng có vài chiếc bánh chưng. Lúc này, bánh chưng không còn dẻo ngon như Tết nữa. Năm nào trời lạnh, bánh “lại gạo” cứng đơ. Ngược lại, có năm trời nắng ấm, những cơn gió nồm ẩm khiến bánh có mùi chua khi bóc ra. Các bà các mẹ thường tận dụng những chiếc bánh chưng đó tạo ra một món ăn mới với hương vị dẻo thơm mà không kém phần đặc sắc.
Hương vị Tết trong bánh chưng Tranh khúc Gói bánh chưng xanh ấm tình ngày Tết

Có lẽ, món bánh chưng rán “ra đời” từ nết vén khéo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt. Ký ức của tôi vẫn ghi dấu những sớm mùa xuân thức dậy, đã thấy mẹ đang lúi húi rán bánh chưng để cả nhà ăn sáng. Mẹ tỉ mẩn bóc bánh bởi bánh chưng để lâu thường hay “xát lá”. Bà cẩn thận gạt phần góc bánh bị chua bỏ đi trước khi rán.

Bánh chưng rán
Ảnh minh họa

Thực ra, rán bánh chưng không khó nhưng mỗi người lại có cách làm khác nhau theo sở thích. Bánh chưng sau khi bóc sẽ cắt từng miếng vừa ăn, cho vào chảo rán nhỏ lửa sau cho hạt nếp ửng vàng khắp các phía là được. Sau đó, gắp từng miếng bánh chưng, xếp ra đĩa. Có người lại thích rán bánh chưng thành một tảng to, tròn, vàng ruộm hai mặt. Cách này cũng dễ thôi. Ta cho bánh chưng vào chảo, đậy vung lại để cho hơi nước làm bánh mềm ra. Sau đó, dùng một cái thìa hoặc muôi gỗ miết để bánh đóng lại thành một tảng tròn xoe trong đáy chảo. Rán vàng ruộm cả hai mặt, gắp ra đĩa rồi cắt hình nan quạt trước khi ăn.

Có một điều khá thú vị, bánh chưng rán nên ăn ngay bởi sẽ giữ được độ ròn và không bị ngấy. Phải chăng, điều đó tạo ra sự gắn kết giữa người làm ra món bánh và người thưởng thức? Mẹ tôi thường chờ cả nhà ngồi vào bàn, bà mới gắp bánh đưa lên đĩa. Bao giờ bà cũng chuẩn bị sẵn một bát dưa hành muối chua dầm với chút đường, tương ớt để ăn cho đỡ ngán. Chiếc bánh chưng cũ nguội ngắt giờ đã trở thành món bánh chưng rán vàng ươm, tỏa hương thơm đầy hấp dẫn. Cắn một miếng, ta từ từ cảm nhận độ giòn rụm của vỏ bánh, rồi đến lớp ruột mềm thơm hương nếp, đậu, thịt. Gắp thêm chút dưa hành chua ngọt ăn kèm... Chao ơi, sao mà hợp vị đến thế.

Không biết từ khi nào, món bánh chưng rán trở thành quà sáng và bữa xế của khá nhiều người vào mùa lạnh. Thi thoảng, tôi thường ghé ăn món bánh chưng rán ở một hàng nho nhỏ gần nhà. Bánh chưng thường được người bán rán liu riu trên một chiếc mâm nhôm. Khi bánh ửng vàng và có khách gọi, người bán gắp chiếc bánh đặt lên đĩa đã được lót miếng lá dong nhỏ. Sau đó, cô hàng bánh thoăn thoắt cắt chiếc bánh ra làm mấy phần đều đặn rồi trao cho khách kèm theo chiếc “xiên” nhỏ để ăn bánh. Nhiều hàng còn làm thêm món su hào, cà rốt dầm chua ngọt để khách ăn kèm với bánh chưng cho đỡ ngán. Đôi khi, cô bán hàng hỏi tôi có muốn ăn thêm chút xì dầu, tương ớt không, nhưng tôi thường từ chối bởi muốn cảm nhận bánh chưng rán một cách “thuần vị” nhất. Nhẩn nha ăn bánh chưng rán, ngắm phố phường người xe vội vã ngược xuôi, tìm lại ký ức cũ cũng là cái thú.

Đã bao mùa xuân trôi, tôi vẫn nhớ cảm giác háo hức chờ mẹ gắp những miếng bánh chưng rán nóng hổi, vàng ruộm từ chảo đưa lên đĩa. Nhớ những giây phút cả gia đình quây quần ăn sáng trong căn bếp nhỏ ngày sau Tết. Nhiều lúc chợt nghĩ, sao chỉ là món bánh chưng rán thôi mà trao cho ta cảm giác gần gũi, thân thương đến thế.

Tường Vy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này