Tạo sân chơi cho người khiếm thị làm nghề xoa bóp

14:58 | 27/02/2022
(LĐTĐ) Nhằm khẳng định vai trò, giá trị của nghề xoa bóp nói riêng, của người khiếm thị nói chung với cộng đồng, xã hội và tạo sân chơi bổ ích cho những người khiếm thị làm nghề xoa bóp, ngày 27/2, Hội Người mù quận Thanh Xuân đã tổ chức Chung khảo cuộc thi tay nghề “Bàn tay vàng trong làng xoa bóp Thanh Xuân” lần thứ I, năm 2022. Cuộc thi được tổ chức đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Người khiếm thị quận Thanh Xuân đón nhận quà Tết ý nghĩa từ các tổ chức thiện nguyện Trao 25 giải Vàng cho người khiếm thị tham gia Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI Triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo cho người khiếm thị

Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, xoa bóp tẩm quất là nghề mũi nhọn của tổ chức Hội Người mù nói chung, của người khiếm thị nói riêng. Hiện 3/4 hội viên của Hội đang làm nghề xoa bóp. Thực tế cho thấy, nghề xoa bóp tẩm quất đã góp phần không nhỏ giúp những người khiếm thị khẳng định với cộng đồng về khả năng và giá trị của mình.

Tạo sân chơi cho người khiếm thị làm nghề xoa bóp
Các thí sinh thể hiện phần thi của mình.

Thấu hiểu và chia sẻ với những người khiếm thị, đồng thời tạo ra một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Ngày Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân (27/2) và kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Người mù quận Thanh Xuân (10/3/1997-10/3/2022), hôm nay, Hội Người mù quận tổ chức cuộc thi tay nghề “Bàn tay vàng trong làng xoa bóp Thanh Xuân” lần I năm 2022 với sự tham gia của 10 thí sinh; Giám khảo cuộc thi là chuyên gia dưỡng sinh trị liệu và lương y có uy tín.

“Qua cuộc thi, góp phần khẳng định vai trò, giá trị của nghề xoa bóp nói riêng, của người khiếm thị nói chung với cộng đồng, xã hội và tạo sân chơi bổ ích cho những người khiếm thị làm nghề xoa bóp”, ông Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh.

Tại cuộc thi, các thí sinh được bốc thăm bài thi (bao gồm bảng xoa bóp cơ bản và bảng nâng cao chữa bệnh) và trình bày, thực hành trực tiếp trên người của Giám khảo. Mỗi thí sinh có tối đa 12 phút để thể hiện bài thi của mình. Trong thời gian này, với những kiến thức đã được đào tạo và kinh nghiệm làm việc thực tiễn, các thí sinh đã thực hiện những thao tác rất thuần thục, được Giám khảo ghi nhận, đánh giá cao.

Bày tỏ cảm xúc khi tham gia cuộc thi, thí sinh Phú Thị Hạnh (hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng khi tham gia cuộc thi. Bởi qua cuộc thi, chúng tôi được rèn luyện tay nghề, và cảm nhận rõ nghề nghiệp của mình được vinh danh, được cộng đồng, xã hội quan tâm”.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 6 giải Ba cho các thí sinh tham dự.

Tạo sân chơi cho người khiếm thị làm nghề xoa bóp
Ban tổ chức trao giải Nhất cho các thí sinh.
Tạo sân chơi cho người khiếm thị làm nghề xoa bóp
Ban tổ chức trao giải Nhì cho các thí sinh.
Tạo sân chơi cho người khiếm thị làm nghề xoa bóp
Ban tổ chức trao giải Ba cho các thí sinh.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này