Kiến tạo nơi chốn là quá trình gắn kết xã hội

16:35 | 26/02/2022
(LĐTĐ) Mới đây, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã tổ chức tọa đàm “Thành phố như một tuyệt tác tập thể”, đề cao vai trò của cộng đồng trong việc tham gia kiến tạo các không gian sống, đóng góp vào xã hội. Tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Thị Loan, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, đã đề cập tới nội dung kiến tạo nơi chốn với sự tham gia của toàn bộ cộng đồng.
Để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng Tạo đà phát triển cho Thủ đô Lưới an sinh xã hội ngày càng được củng cố và mở rộng

Trong cuộc tọa đàm, bên cạnh việc cùng nhau chia sẻ một số sáng kiến cộng đồng được triển khai bởi các cá nhân và tổ chức xã hội thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống như “Dự án photovoice” với người lao động di cư chia sẻ về cách tiếp cận giúp người nhập cư, bán hàng rong, lao động phổ thông kể về quan hệ của họ với Hà Nội.

“Dự án cải tạo bãi rác thành sân chơi ở tổ 16 Phúc Tân” nói về việc xây dựng tính sở hữu của cộng đồng với không gian công cộng. “Dự án cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở Sông Hồng” chia sẻ về cách tạo dựng một nền tảng để các bên như nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay vì mục đích chung…

Các đại biểu và các chuyên gia còn trao đổi các kinh nghiệm thực tế, thảo luận cách thức để các cá nhân, tập thể có thể tham gia vào kiến tạo Thành phố một cách sáng tạo và hiệu quả.

Kiến tạo nơi chốn là quá trình gắn kết xã hội
Huy động người dân chung tay phát triển không gian công cộng, khu vui chơi. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng chú ý, PGS.TS Phạm Thị Loan, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, cho rằng, kiến tạo nơi chốn là quá trình gắn kết xã hội.

“Những dự án vừa rồi đã cung cấp nhiều thông tin quý báu… với cách kiến tạo nơi chốn, tập trung vào không gian công cộng, là một tiến trình với cái đích hướng tới là tiến trình hàn gắn cộng đồng.

Trong kiến tạo nơi chốn thì sản phẩm không gian, con người, cộng đồng là một nhất thể không thể tách rời. Qua cái nhất thể này, con người trở nên gắn bó với môi trường sống và cộng đồng của mình hơn, gắn bó và có trách nghiệm với Thành phố hơn…” - PGS.TS Phạm Thị Loan chia sẻ.

PGS.TS Phạm Thị Loan cũng bày tỏ quan điểm, nếu để cho chính người dân, chủ thể của đô thị tự thân yêu thương cống hiến cho cộng đồng và môi trường thì cũng là cách giảm áp lực cho chính quyền. Điều cốt yếu là phải có sự đối thoại giữa người dân và chính quyền để từ đó có điểm chung.

Mặt khác, thông qua những sáng kiến cộng đồng được triển khai cũng hoàn toàn có thể tin tưởng vào cách thức để huy động sự tham gia của đông đảo người dân vào kiến tạo xây dựng môi trường, không gian sống, nhất là với không gian công cộng… vừa thay đổi nhận thức của toàn xã hội, nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tạo dựng mạng lưới có không gian để nhiều cá nhân được tham gia kiến tạo Thành phố.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này