Người bệnh F0 có đóng bảo hiểm xã hội được hưởng những chế độ gì?

16:33 | 26/02/2022
(LĐTĐ) Theo Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động bị ốm đau mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ ốm đau.
Đơn vị nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho F0? Điều trị Covid-19 tại nhà, có được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội?

Dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều F0 là người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) băn khoăn không biết mình được hưởng những chế độ bảo hiểm gì?

Theo Điều 25 Luật BHXH, người lao động bị ốm đau mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ ốm đau.

Luật BHXH cũng quy định rõ thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong 1 năm. Cụ thể, người lao động làm việc trong điều kiện làm việc bình thường, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau là 30 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm, nghỉ 40 ngày nếu đóng BHXH đủ 15 năm đến dưới 30 năm và nghỉ 60 ngày nếu đóng đủ 30 năm BHXH.

Người bệnh F0 có đóng bảo hiểm xã hội được hưởng những chế độ gì?
F0 điều trị nội trú cần nộp cho cơ quan BHXH Giấy ra viện để làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau

Nếu người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì số ngày nghỉ hưởng chế độ ốm đau lần lượt là 40 ngày, 50 ngày và 70 ngày, tương ứng với số năm đóng BHXH như trên.

Mức hưởng được tính theo tháng, bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Bên cạnh đó, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật BHXH như trên, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có Công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (tương đương 447.000 đồng/ngày).

Theo hướng dẫn tại Công văn 238/BYT-KCB ngày 14/1/2022 của Bộ Y tế về hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưởng BHXH với người lao động điều trị Covid-19 thì F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao Giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú).

Như vậy, nếu tự điều trị tại nhà, người lao động là F0 cần liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế chăm sóc, quản lý để xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Sau đó, nộp các giấy tờ này cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi mình làm việc để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau.

Cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động trong trường hợp này là BHXH cấp quận, huyện nơi người lao động đóng BHXH.

Trong trường hợp người tham gia BHXH là F0 đã nghỉ hết số ngày nghỉ hưởng chế độ ốm đau, chế độ dưỡng sức theo quy định mà sức khỏe vẫn chưa bình phục để có thể quay trở lại làm việc, người lao động có thể xin nghỉ phép năm, hoặc thỏa thuận xin nghỉ không hưởng lương với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị Covid-19 và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cũng được hưởng chế độ ốm đau.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này