Cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá trục lợi

19:16 | 25/02/2022
(LĐTĐ) Hiện nay, trên địa bàn Thành phố xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp chưa xác định được nguồn lây. Nhận thấy nhu cầu của người dân về các mặt hàng kit test, thuốc trị Covid-19 tăng vọt trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng dịch bệnh để buôn bán các loại kit test, đồ dùng thiết yếu, nâng giá xét nghiệm, dược phẩm... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tăng mức xử phạt nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.
Không để giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19 “nhảy múa”! Bộ Y tế đề nghị: Đưa kit test xét nghiệm Covid-19 vào diện bình ổn giá

Lợi dụng nâng giá các mặt hàng thiết yếu

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến các mặt hàng vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như: Kit xét nghiệm nhanh (kit test), máy đo Spo2, thuốc điều trị Covid-19... được người tiêu dùng quan tâm. Lợi dụng sức mua tăng mạnh, không ít đối tượng đã nâng giá nhằm trục lợi cá nhân.

Đáng chú ý, những ngày qua, kit test và máy đo Spo2 là 2 trong nhiều thiết bị y tế cần thiết để người dân tự phát hiện, sàng lọc các ca bệnh, kịp thời cách ly, tránh lây lan cho cộng đồng. Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của phóng viên, tại nhiều hiệu thuốc, những bộ kit test, máy đo Spo2 được bán ra mỗi nơi một giá và có chiều hướng khan hàng, gây khó khăn cho người dân có nhu cầu.

Chia sẻ về việc phải đi đến 3 cửa hàng thuốc mới mua được 5 bộ kit test với giá hợp lý, trong khi gia đình đã có 3 người đang có triệu chứng nhiễm Covid-19 (biểu hiện, sốt ho, khó thở...), chị Nguyễn Thị Hồng (phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết, giá mỗi nơi mỗi khác, mỗi bộ kit test đang có mức giá từ 80.000 đến 120.000 đồng tùy loại.

"Mình cần thì phải mua thôi chứ cũng không biết giá chính xác là bao nhiêu, chất lượng thì cũng chỉ được nghe qua nhân viên nhà thuốc giới thiệu, thạm chí khi vào một nhà thuốc hỏi mua thấy giá 120.000 đồng, tôi thắc mắc liền bị nhân viên cửa hàng nói không mua thì để người khác mua", chị Hồng bức xúc.

Cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá trục lợi
Những bộ kit test được bán ra mỗi nơi một giá, gây khó khăn cho người dân khi quyết định mua và sử dụng. (Ảnh: H.Phong)

Cùng quan điểm với chị Hồng, anh Nguyễn Đình Khắc (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước Tết, anh mua một bộ kit test giá 65.000 đồng, nhưng bây giờ phải 85.000 đồng mới mua được bộ kit test cùng loại.

"Đây rõ ràng là hành vi lợi dụng dịch bệnh để ép giá của không ít cơ sở kinh doanh. Tình trạng lợi dụng bối cảnh xảy ra dịch bệnh để trục lợi theo tôi cần phải xử lý nghiêm. Hành vi như trên không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức kinh doanh. Nếu không xử lý nghiêm, kịp thời, sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng", anh Khắc chia sẻ.

Không chỉ tăng giá các sinh phẩm y tế, nhiều đối tượng còn mua bán thuốc điều trị Covid-19 không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bán chênh lệch với giá cao, thu lợi bất chính.

Đơn cử như mới đây, ngày 23/2, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Thanh Xuân phát hiện và kiểm tra hành chính 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi.

Lực lượng chức năng đã phát hiện Bùi Đức Toàn đang vận chuyển 2 thùng car-ton chứa hàng hoá là 240 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp). Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, phát hiện Đinh Văn Hiểu cũng vận chuyển 1 thùng car-ton chứa hàng hoá là 240 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp).

Cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá trục lợi
Lực lượng chức năng Hà Nội vừa phát hiện, tạm giữ lô hàng là thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol, loại thuốc chưa được cấp phép sử dụng điều trị Covid-19 tại Việt Nam.

Làm việc với cơ quan chức năng, Đinh Văn Hiểu trình bày được Bùi Đức Toàn thuê chuyển số hàng trên để giao cho khách. Bước đầu, Bùi Đức Toàn khai nhận đã mua trôi nổi trên thị trường số hàng hoá trên để bán kiếm lời. Toàn bộ hàng hoá, phương tiện vận tải vi phạm đã được Đội Quản lý thị trường số 12 tạm giữ.

Theo cơ quan chức năng, số thuốc tân dược do 2 đối tượng vận chuyển do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Đáng nói, thuốc Arbidol màu đỏ 200mg (loại vừa bị tạm giữ) hiện không có trong danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế...

Cần phải bị xử lý thật nghiêm

Việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi không chỉ vô nhân đạo, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, gây rối loạn an ninh trật tự, mà còn vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý thật nghiêm.

Ngày 23/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành văn bản số 526/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quản lý thị trường Thành phố, các sở: Y tế, Tài chính, Công Thương; Công an Thành phố; Cục Thuế thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

Cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá trục lợi
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày 2/9/2021

Đối chiếu với các văn bản luật, nghị định đã ban hành, luật sư Phạm Hải Long - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, Điều 11 và Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định: Tùy thuộc vào giá trị của số lượng hàng giả vi phạm (được tính dựa trên giá trị của số lượng hàng thật tương đương), cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1-100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và từ 400.000 đồng-60 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

“Nếu hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả nói riêng và hành vi buôn bán hàng giả nói chung đủ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về Tội sản xuất buôn bán hàng giả, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hình phạt chính đối với tội này có thể là phạt tiền hoặc phạt tù/đình chỉ hoạt động. Cụ thể: Mức phạt tiền là 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân phạm tội và 1-9 tỷ đồng đối với pháp nhân phạm tội. Mức phạt tù đối với cá nhân phạm tội từ 1-15 năm tùy mức độ nguy hiểm của hành vi; pháp nhân phạm tội thì có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn”, luật sư Phạm Hải Long thông tin.

Nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, liên quan đến việc buôn bán, cung cấp trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh Covid-19, người dân cũng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia mua bán trang bị y tế, các loại thuốc phòng, chống Covid-19 với những doanh nghiệp, cá nhân đưa ra giá hàng hóa quá cao so với quy định, hàng hóa không có nguồn gốc. Có như vậy, Nhà nước và nhân dân mới hạn chế được những thiệt hại, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này