Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

10:26 | 25/02/2022
(LĐTĐ) Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ là những “chiến sĩ áo trắng”. Đây là lực lượng thường trực ở tuyến đầu chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao… nhưng vượt qua mọi khó khăn, họ vẫn nỗ lực hết mình vì trách nhiệm và hơn cả vì sức khỏe của nhân dân. Phóng viên (PV) báo Lao động Thủ đô đã có cuộc chia sẻ trực tiếp với Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, để hiểu thêm về công việc lặng thầm của những chiến sĩ trên tuyến đầu diệt “giặc” Covid-19.
Kỳ 2: Những bệnh viện tiên phong điều trị hậu Covid-19 Gác niềm riêng sau màu áo blouse trắng Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô

PV: Với trọng trách là một trong những lãnh đạo tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, đảm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ quan trọng tại đơn vị, bác sĩ có thể chia sẻ bí quyết giúp mình đảm đương khối lượng công việc nhiều tới vậy?

Bác sĩ Trần Thị Oanh: Cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Trong nhiều tháng qua, ngành Y tế Thủ đô đã và đang căng mình chống dịch. Cả hệ thống Y tế từ trạm y tế xã, phường tới các cơ sở điều trị bệnh viện tầng 2, tầng 3 đều phải liên tục cập nhật, đào tạo chuyên môn để phát hiện, theo dõi ca bệnh nhẹ, phân tầng điều trị các ca bệnh nặng, rồi tham gia chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc của Thành phố với mong muốn người dân sớm nhất có được miễn dịch bảo vệ.

Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Với sứ mệnh chữa bệnh, cứu người, thời gian qua Bệnh viện đa khoa Đức Giang được Sở Y tế Hà Nội giao trọng trách là một trong những đơn vị phụ trách điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại tầng 3 của Thành phố. Thực sự có những ngày, đêm các y, bác sĩ trong viện vô cùng căng thẳng vì lượng bệnh nhân nặng quá tải phải sắp xếp để tiếp nhận và điều trị.

Bản thân tôi, ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, với vai trò là thành viên Tiểu Ban điều trị Covid-19 của Bệnh viện đa khoa Đức Giang, đã cùng các thành viên trong nhóm tích cực xây dựng phác đồ điều trị ca bệnh nặng, nguy kịch tại đơn vị; đồng thời, tham gia đào tạo trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới điều trị để hạn chế việc bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, nâng tầng…

Với khối lượng công việc lớn và áp lực, bởi vậy tôi luôn phải sắp xếp thời gian và công việc khoa học để có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. Đơn cử, trước một ca trực với nhiều bệnh nhân nặng, nguy cơ diễn biến bất cứ lúc nào; rồi có thể phải tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng cùng một lúc; vừa phải tham gia hội chẩn cấp cứu… thì người thầy thuốc từ lúc nhận ca đã phải biết sắp xếp công việc hợp lý để quán xuyến và đảm bảo guồng công việc diễn ra trôi chảy.

Với hơn 25 năm trong nghề Y và gần 20 năm làm Hồi sức cấp cứu nên tôi đủ bình tĩnh và kinh nghiệm để xử lý mọi tình huống có thể diễn ra. Và chính nghề nghiệp tạo cho bản thân thói quen sắp xếp công việc khoa học và cố gắng tìm giải pháp phù hợp, để có thể hoàn thành các công việc được giao một cách hiệu quả nhất.

PV: Là một trong những thành viên tích cực tham gia xây dựng hệ thống Quản lý F0 tại nhà, xin bác sĩ có thể chia sẻ những hiệu quả thực tiễn của hệ thống mang lại trong bối cảnh dịch, bệnh hiện nay?

Bác sĩ Trần Thị Oanh: Những ngày cuối năm 2021, dịch diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Số ca bệnh tăng cao dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống bệnh viện nếu không có sự phân luồng bệnh nhân phù hợp. Bởi vậy tổ chuyên môn của Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tích cực xây dựng công cụ chuyên môn, phối hợp Công ty phần mềm xây dựng hệ thống Quản lý F0 tại nhà giúp phân loại nhanh chóng mức độ nặng bệnh nhân và quản lý người bệnh bị nhiễm. 90% các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ, hoặc không triệu chứng được quản lý tại nhà; được hướng dẫn tự khai báo theo dõi sức khỏe hàng ngày, được theo dõi và kết thúc cách ly; khi người bệnh có nguy cơ chuyển nặng sẽ được y tế cơ sở tiếp cận sớm nhất, liên hệ chuyển viện phù hợp.

Hệ thống này được cập nhật liên tục theo các văn bản hướng dẫn phân luồng tiếp nhận người bệnh Covid-19 của Sở Y tế theo từng thời điểm. Từ đó, giúp phân độ nặng, phân tầng bệnh nhân và chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế phù hợp, đúng tầng bệnh, tránh quá tải bệnh viện.

Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Bác sĩ Trần Thị Oanh đi buồng thăm, khám cho bệnh nhân.

PV: Trực tiêp hội chẩn, đi buồng, chỉ đạo điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện… nên nguy cơ lây nhiễm rất cao và thậm chí đồng nghiệp cũng dính bệnh, vậy lúc đó bác sĩ có hoang mang hay không? Và với bác sĩ, những ngày lễ, Tết không trọn vẹn bên gia đình, người thân có khiến chị chạnh lòng?

Bác sĩ Trần Thị Oanh: Ngay từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19 bản thân tôi đã là một trong những thành viên tích cực của Tiểu ban tuyên truyền của Bệnh viện với các chương trình tuyên truyền, đào tạo cộng đồng về cơ chế lây truyền, cách dự phòng lây nhiễm, đặc biệt với nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc người bệnh. Luôn luôn nhắc nhở đồng nghiệp và tự nhắc mình cẩn trọng trong tuân thủ bảo hộ, nên tôi hoàn toàn tự tin khi đi buồng, hội chẩn các ca bệnh Covid-19.

Bản thân có chuyên môn, tôi tự tin động viên đồng nghiệp không may nhiễm bệnh yên tâm theo dõi sức khỏe, bởi sẽ có rất ít nguy cơ bệnh nặng vì tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện đã được tiêm vắc xin phòng bệnh đủ liều.

Nghề y là nghề đặc thù và người làm nghề y làm việc trong môi trường đặc thù. Nên khi đã chọn nghề y, tôi xác định sẽ sống với những khác biệt của nghề nghiệp này. Nghề y thường không bao giờ có những ngày lễ, Tết trọn vẹn vì không thể tránh được các buổi trực. Bởi vậy, đã lâu rồi tôi không còn cảm giác chạnh lòng khi Tết đến Xuân về mà bản thân không dành trọn vẹn thời gian bên gia đình, người thân nữa.

Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, việc tham gia hội chẩn các ca bệnh Covid-19 qua điện thoại cũng vẫn là công việc thường xuyên. Và may mắn, người thân trong gia đình đã quen, đã hiểu những vất vả trong nghề nghiệp của một bác sĩ nên tôi cũng được mọi người dành cho sự cảm thông, ưu ái. Sau phần lớn thời gian dành cho công việc, thời gian còn lại, tôi sẽ dành tối đa những thương yêu, quan tâm cho gia đình.

PV: Sắp tới Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), nhiều cá nhân ngành Y tế Thủ đô sẽ được tôn vinh vì những cống hiến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ có cảm xúc như thế nào?

Bác sĩ Trần Thị Oanh: Trước thềm ngày 27/2, nhân viên y tế chúng tôi càng cảm nhận rõ trọng trách của mình trong vai trò là người thầy thuốc, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19. Thấy sự cố gắng của mình mỗi ngày trong công việc đều rất cần cho mọi người, từ việc động viên, hướng dẫn mọi người tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà khi nhiễm Covid-19 thể nhẹ, đến sát cánh cùng đồng nghiệp điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Gác lại những vất vả của bản thân, tôi cùng các đồng nghiệp trong Bệnh viện đều cảm thấy mọi vất vả, hy sinh của nhân viên y tế như được bù đắp vì đã tích cực điều trị các các bệnh nặng, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, hạn chế số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn Thành phố xuống mức thấp nhất. Và những vất vả, hy sinh đó đã được người thân, bạn bè và toàn xã hội cảm nhận rõ hơn, dành cho nhiều sự chia sẻ và tôn trọng.

Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Bác sĩ Trần Thị Oanh tham gia tập huấn các kíp trực trước khi vào khu điều trị Covid-19.

PV: Bác sĩ có gửi gắm, nhắn nhủ gì đến các đồng nghiệp để mọi người có thêm động lực vững vàng bước tiếp, sẵn sàng "chiến đấu" tiến tới đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả?

Bác sĩ Trần Thị Oanh: Với những trải nghiệm đã đi qua và còn phải tiếp tục đối mặt chiến đấu với dịch Covid-19, tôi vẫn luôn cho rằng đã khoác áo blouse trắng thì luôn phải sống cống hiến và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Người “anh cả” tại Bệnh viện vẫn động viên, khích lệ cán bộ, nhân viên y tế tại đơn vị: “Chúng ta hãy làm những việc cần cho xã hội, cho dân trước khi được giao nhiệm vụ”. Câu nói đó đã truyền lửa cho tôi, cho Tiểu Ban điều trị Covid-19 tại Bệnh viện. Bản thân tôi muốn lan tỏa câu nói này tới các đồng nghiệp, bởi khi xác định được ý nghĩa của việc bản thân đang làm, mình sẽ thấy luôn có động lực để vững vàng bước tiếp, dù công việc phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Minh Khuê (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này