Lan toả triết lý để Hà Nội như một tuyệt tác tập thể

19:17 | 24/02/2022
(LĐTĐ) Ngày 24/2, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã tổ chức tọa đàm "Thành phố như một tuyệt tác tập thể" để chia sẻ triết lý và cách thức để các cá nhân, tập thể có thể tham gia vào kiến tạo lên Thành phố một cách sáng tạo và hiệu quả.
Kiến tạo không gian công cộng: Vì một Hà Nội đáng sống Khơi dậy những nét đẹp bình dị của người Hà Nội

Nhà lý thuyết xã hội Marxist, Henri Lefebvre trong cuốn sách Right to the City, được viết năm 1968, tạm dịch là "quyền đối với thành phố" đã đưa ra quan điểm: Thành phố là một sản phẩm hay là một tuyệt tác tập thể mà tất cả các công dân trong thành phố đều tham gia vào việc tạo nên nó. Theo Lefebvre, trái với nông thôn, thành phố bản thân nó đã mang tính công cộng và các không gian luôn có sự trao đổi và tương tác xã hội của những người lạ.

Quan điểm của Lefebvre đã trở thành triết lý nhân văn và ngày càng phổ biến trên thế giới, tạo ra sức lan toả mạnh mẽ như một lời kêu gọi các tổ chức xã hội, cư dân ở các thành phố cùng nhận thức lại quyền và vai trò của mình đối với môi trường thành phố mà họ đang sống.

Dù là nhà quy hoạch, nghệ sĩ hay người bán hàng rong thì họ cũng đang tham gia vào kiến tạo lên thành phố. Nói cách khác, nếu các cá nhân chủ động và có quyền tham gia đóng góp vào xây dựng thành phố thì thành phố sẽ có cơ hội trở thành nơi đáng sống cho tất cả mọi người.

Lan toả triết lý để Hà Nội như một tuyệt tác tập thể
Người dân tham gia cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở Sông Hồng.

Tại Tọa đàm "Thành phố như một tuyệt tác tập thể", một số sáng kiến cộng đồng được triển khai bởi các cá nhân và tổ chức xã hội thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã được chia sẻ.

Đó là, dự án photovoice với người lao động di cư chia sẻ về cách tiếp cận giúp người nhập cư, bán hàng rong, lao động phổ thông kể về quan hệ của họ với Hà Nội. Người lao động di cư đống góp vào sự phát triển của thành phố ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên, có một thực tế là họ là nhóm yếu thế, bị thiệt thòi về nhiều mặt.

Những người lao động di cư tham gia dự án này đã kể những câu chuyện của riêng mình qua những tấm hình mà họ chụp trên đường đi làm, đi học. Các bức ảnh được chụp tự do nhưng đã cho thấy sự kết nối liên tục, hàng ngày qua công việc, lao động của những người lao động di cư đối với Hà Nội, thành phố mà họ đang sống, đồng thời phản ánh những góc nhìn vô cùng thú vị và cả mong muốn của người lao động di cư về không gian công cộng, môi trường xã hội, thiên nhiên của Thành phố.

Toạ đàm cũng nghe chia sẻ về dự án cải tạo bãi rác thành sân chơi tổ 16 Phúc Tân nói về việc xây dựng tính sở hữu của cộng đồng với không gian công cộng. Cách đây hơn 1 năm, Vì một Hà Nội đáng sống cùng người dân Tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã rộn ràng khánh thành không gian công cộng đa chức năng ở bờ vở sông Hồng. Từ một góc nhỏ ven sông đầy rác thải, khu vực này đã được cải tạo thành một nơi đáng sống với khu vui chơi cho trẻ em, tập thể dục cho người lớn, địa điểm thông thoáng trong lành để hội họp cộng đồng, không gian sạch sẽ cho những người phụ nữ di cư luộc ngô khoai sắn.

Dự án này có thể coi là viên gạch đầu tiên, tạo thêm niềm tin và động lực cho Vì một Hà Nội đáng sống tiếp tục các dự án cải tạo môi trường ở khu vực bờ vở sông Hồng, mà thành quả mới nhất là khánh thành không gian ở ngách 43/32 Bạch Đằng, phường Chương Dương, chỉ cách không gian Phúc Tân chưa đầy 2km. Dự án cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở Sông Hồng cũng đã chia sẻ về cách tạo dựng một nền tảng để các bên như nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay vì mục đích chung.

Giờ đây, người dân ở phường Chương Dương và phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã được vui chơi, tập thể dục, sinh hoạt cộng đồng ở một không gian công cộng mới. Nơi mà trước đây từng là một bãi rác ô nhiễm môi trường nhưng đã được cải tạo thành công thành một không gian đáng sống, vừa có khu vui chơi lại có vườn cây tại Hà Nội.

Đánh giá về các dự án, sáng kiến cộng đồng thuộc Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS. Phạm Thúy Loan - Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng đánh giá cao các dự án trên đều vì mục đích con người và phát triển Thành phố.

Khi người dân, các nhà hoạt động xã hội và các nhà quản lý đều chung tay tham gia vào kiến tạo lên thành phố một cách sáng tạo và hiệu quả. Đó cũng chính là lúc Hà Nội bao chứa được tất cả mọi người và mọi người đều thấy Hà Nội đón nhận mình, đó là khi Hà Nội thực sự là một thành phố đáng sống. Đây cũng chính là mục đích của những người tham gia diễn đàn Vì một Hà Nội đáng sống.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này