Giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vận tải kêu trời

19:18 | 24/02/2022
(LĐTĐ) Sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19, đến nay, vừa mới bắt đầu phục hồi trở lại thì ngành doanh nghiệp vận tải lại phải đối mặt với khó khăn khi giá xăng dầu liên tục tăng cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết, chưa lúc nào họ cảm thấy bế tắc như hiện nay. Bởi, nếu tăng giá vé để bù vào giá xăng dầu sẽ dễ khiến hành khách quay lưng, nhưng không tăng giá vé, thì doanh nghiệp khó lòng trụ vững.
Bộ Tài chính lý giải việc giá xăng tăng kỷ lục Thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu Giá xăng, dầu đồng loạt tăng cao

Chật vật xoay sở

Chịu tác động từ xu hướng chung của thế giới, tại nước ta giá xăng dầu cũng tăng liên tục. Từ 15h ngày 21/2, giá xăng RON 95 đã lập kỷ lục khi chạm mức 26.280 đồng một lít, xăng E5 tăng thêm 960 đồng lên 25.530 đồng một lít. Tương tự, giá các loại dầu cũng tăng đồng loạt, dầu hỏa là 19.500 đồng một lít, tăng 750 đồng. Dầu diesel là 20.800 đồng một lít, tăng 940 đồng...

Việc giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã tạo áp lực lớn tới sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà đặc biệt là ngành vận tải hành khách.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn của các doanh nghiệp vận tải, việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thật sự lao đao.

Giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vận tải kêu trời
Sau Tết nguyên đán tới nay các nhà xe chỉ chạy với 30% công suất. (Ảnh: Lê Thắm)

Trong khi đó, từ sau Tết đến nay, người dân vẫn có tâm lý e ngại vì dịch bệnh Covid-19 nên lượng hành khách đi xe chỉ đạt khoảng 30%. Để thích ứng phù hợp với tình hình vắng khách như hiện nay, doanh nghiệp của ông tập trung đưa các xe cỡ nhỏ, ít giường vào hoạt động. Bởi vì với xe lớn, nhiều giường, hành khách thường sợ đông người quá dễ lây bệnh, còn chạy không kín giường thì nhà xe sẽ phải chịu lỗ.

“Điều khiến tôi và nhiều chủ doanh vận tải lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục neo cao thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được. Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh như hiện nay, nếu tăng giá vé thì khả năng cao khách hàng sẽ quay lưng, không sử dụng dịch vụ nữa, như vậy, chẳng khác nào tự sát”, ông Bằng cho hay.

Tương tự, đại diện nhà xe Phiệt Học (tham gia vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội - Thái Bình) cũng đứng ngồi không yên, khi chi phí nhiên liệu chiếm đang chiếm phần lớn lợi nhuận.

“Hiện nay, nhà xe của tôi chủ yếu đang hoạt động cầm chừng trong tình trạng không đủ chi phí, phải bù lỗ. Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay tôi nghĩ thời gian tới tôi sẽ không cầm cự được nữa mà phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động”, nhà xe Phiệt Học than thở.

Dù khó khăn là vậy nhưng nhà xe vẫn quyết định giữ nguyên giá vé, cước vận chuyển cho hành khách. Để duy trì hoạt động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng, các nhà xe cho biết đều thực hiện giải pháp là cắt giảm tối đa chi phí, dừng hoặc giảm chuyến, tuyến không cần thiết. Đồng thời, mong muốn nhà nước có những chính sách ổn định giá xăng dầu trong thời gian dài.

Giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vận tải kêu trời
Các hãng xe taxi cũng tính tới bài toán tăng giá cước dịch vụ. (Ảnh: Lê Thắm)

Không chỉ các xe khách liên tỉnh, việc xăng tăng giá cũng khiến cho các hãng xe taxi rối ren, đắn đo cân đối giá cước dịch vụ. Ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc.

Trong khi đó, xăng dầu chiếm phân nửa giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Theo ông Hùng, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.

Giảm thuế, phí, chủ động nguồn cung xăng dầu

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước để cân đối thu chi.

“Khi mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này”, ông Quyền nhận định.

Dẫn chứng về mức thu loại thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng/lít, ông Quyền kiến nghị Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm loại thuế này, qua đó sẽ giảm được giá loại nhiên liệu. Đây là giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, trên thị trường hiện nay đang có 2 loại xăng cụ thể: Xăng E5 RON 92 là xăng sinh học và xăng RON A95 (xăng khoáng). Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 thì phải có biên độ giá chênh lệch cao để người dân lựa chọn.

“Bản thân xăng E5 là xăng sinh học, bảo vệ môi trường, vậy tại sao lại thu thuế bảo vệ môi trường loại xăng này. Chính vì thế cần phải miễn hoặc tạm dừng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng E5, như vậy mới có thể ổn định được giá cước vận tải”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất.

Giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vận tải kêu trời
Giá xăng tăng cao, đạt ngưỡng kỷ lục trong 8 năm qua. (Ảnh: Lê Thắm)

Còn theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua, thậm chí đạt ngưỡng kỷ lục trong 8 năm qua đã và đang gây ra những tác động tiêu cực lớn cho hoạt động vận tải trong nước.

“Đáng lo ngại nhất là các doanh nghiệp vận tải hành khách vì họ vẫn chưa phục hồi được, hành khách đi xe vẫn còn rất vắng. Giờ chi phí cho mỗi chuyến xe lại bị giá xăng dầu đội lên cao, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể trụ nổi”, ông Bùi Danh Liên cho biết.

Chuyên gia giao thông này đề xuất, để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Liên cũng thừa nhận, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, việc trợ giá xăng dầu cũng là giải pháp không dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng nhận định: “Về lâu dài, ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho người dân, thì cần tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, cho nhiều doanh nghiệp vào tham gia, để thị trường tự điều tiết giá xăng dầu. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 6 nhà phân phối xăng dầu khiến cho giá xăng cao, khó tìm được nguồn hàng rẻ. Vì vậy muốn tiến tới sự cạnh tranh trên thị trường một cách minh bạch, công khai để có lợi cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Nhà nước cần phải mở rộng thị phần xăng dầu cho các chủ thể khác cùng kinh doanh trên thị trường mà đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài”.

Bên cạnh đó, theo ông Liên, Nhà nước cũng cần xem xét đến việc đẩy mạnh sản xuất xăng E5. Loại xăng này có thể sử dụng các nguyên liệu ở trong nước để sản xuất, với nguồn nguyên liệu nội nhập thì giá thành cũng rẻ hơn đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường. Việc Nhà nước kích thích tự sản xuất xăng dầu trong nước sẽ là một giải pháp hiệu quá mang tính lâu dài trong việc kiềm chế và giảm giá thành xăng dầu.

Mộc Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này