Chung sức, đồng lòng vì sự phát triển

12:42 | 24/02/2022
(LĐTĐ) Dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất- kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của người lao động. Vì vậy, để sớm vượt qua khó khăn, hơn lúc nào hết cả người sử dụng lao động và người lao động phải “đồng cam, cộng khổ”, cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Thủ tướng mong người lao động cùng chung sức, đồng lòng tạo nên cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động Thành công từ sự chung sức, đồng lòng

Như chúng ta đã biết, với doanh nghiệp lợi nhuận là yếu tố sống còn. Trong đó, để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh yếu tố con người (nguồn nhân lực) là then chốt, thậm chí đóng vai trò quyết định. Bởi thế, ngoại trừ số ít doanh nghiệp cố tình trây ỳ đóng bảo hiểm xã hội, nợ lương công nhân thì đa số doanh nghiệp đều thực hiện nghĩa vụ trả lương và các phúc lợi xã hội đối với công nhân lao động rất tốt.

Chung sức, đồng lòng vì sự phát triển
Khi doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận thì việc làm, thu nhập của người lao động mới được duy trì ổn định. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, như đã đề cập, suốt hơn 2 năm qua đại dịch Covid-19 ập đến, doanh nghiệp với tư cách là chủ thể của nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hầu hết các hoạt động sản xuất - kinh doanh… bị đình đốn, doanh số, doanh thu bị giảm sút nghiêm trọng. Không ít doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động, nhưng bất lực đành phải cắt giảm hoặc làm việc luân phiên; nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất- kinh doanh ở mức cầm chừng.

Bước sang tháng 1/2022, khi cơ bản mỗi người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng đã được tiêm 2-3 mũi vắc xin phòng Covid-19, tình hình sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp dần hoạt động trở lại bình thường; các hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa cũng dần nối lại… song những khó khăn mà “hậu” Covid -19 thời chưa có vắc xin phủ kín để lại chưa thể một sớm, một chiều khôi phục được.

Doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn lên tới hàng nghìn người… đang trong quá trình phục hồi sản xuất thì cá biệt một vài nơi xuất hiện tình trạng lãn công liên quan đến vấn đề tiền lương. Trước vấn đề phức tạp diễn ra sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tại một vài doanh nghiệp có công nhân lãn công, Công đoàn và các cấp chính quyền sở tại đã nhanh chóng vào cuộc, nhờ đó tình hình sản xuất dần đi vào thế ổn định.

Điều cần nhấn mạnh, những yêu cầu về quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động luôn được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào vẫn có doanh số và lợi nhuận mà nợ lương, bảo hiểm của công nhân hoặc cố tình trả lương không tương xứng thì người lao động có quyền đòi hỏi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Song, yếu tố bất khả kháng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất- kinh doanh khiến lợi nhuận sụt giảm hoặc âm thì cực chẳng đã nợ lương, bảo hiểm của công nhân hoàn toàn có thể chấp nhận để chờ giải pháp khắc phục.

Doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất- kinh doanh mọi “vướng mắc” liên quan đến tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội… của người lao động đã có Công đoàn và các cấp chính quyền song hành. Vấn đề quan trọng hiện tại, hơn lúc nào hết mỗi công nhân cần nâng cao bản lĩnh chính trị, không để các thế lực lợi dụng mạng xã hội kích động, hãy hăng hái lao động, “đồng cam, cộng khổ” với chủ sử dụng lao động trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh để có lợi nhuận. Điều kiện cần và đủ khi và chỉ khi doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận thì việc làm, thu nhập của người lao động mới được duy trì ổn định. Lương, thưởng sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động../.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này