Các cấp Công đoàn góp phần ổn định quan hệ lao động

10:49 | 24/02/2022
(LĐTĐ) Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động (NLĐ) gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các cấp Công đoàn trên cả nước đã tập trung mọi nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, nhất là dịp Tết Nguyên đán với các hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, trên tinh thần tập trung cho cơ sở, gắn với nhiệm vụ theo dõi, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Các cấp Công đoàn Thủ đô chăm lo tốt nhất cho đoàn viên trong dịp Tết Các cấp Công đoàn đã linh hoạt, sáng tạo trong chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động Các cấp Công đoàn đã thực hiện 64.937 cuộc tư vấn pháp luật lao động cho đoàn viên, người lao động

Các cấp Công đoàn vào cuộc kịp thời

Thông tin về tình hình quan hệ lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho NLĐ của người sử dụng lao động và sự quan tâm kịp thời của các cấp Công đoàn nên tình hình tranh chấp lao động trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2022 giảm so với Tết năm 2021. Đặc biệt, theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do NLĐ chưa đồng tình với doanh nghiệp trong việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ và việc trả tiền thưởng thấp hơn so với Tết năm 2021, điều kiện trả thưởng…

Các cấp Công đoàn góp phần  ổn định quan hệ lao động
Lãnh đạo LĐLĐ quận Long Biên tặng quà Tết cho người lao động làm việc trên địa bàn không về quê đón Tết. ảnh: B.D

Điển hình như cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Viet Glory (doanh nghiệp Đài Loan, sản xuất giày, dép) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, diễn ra ngày 7/2/2022 với 5.000 NLĐ tham gia. Lý do chính là NLĐ yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho NLĐ mắc Covid-19, việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng, thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với NLĐ… Hay như cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Vienergy (doanh nghiệp Đài Loan, sản xuất giày, dép) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ trưa ngày 11/2/2022 với 5.300 NLĐ tham gia; nguyên nhân chính là NLĐ đề nghị tăng lương cơ bản, thang, bảng lương cần chi tiết, rõ ràng, đề nghị tăng tiền ăn, tiền phụ cấp, tiền xăng xe, tiền chuyên cần cho NLĐ...

Bà Hà cho biết, trước tình hình trên, tổ chức Công đoàn đã chủ động, kịp thời phối hợp cùng với các cơ quan chức năng vào cuộc làm việc với doanh nghiệp để tìm ra hướng giải quyết. Kết quả, với sự vận động, thuyết phục của tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa NLĐ và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, đến sáng ngày 14/2/2022, toàn bộ NLĐ của 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Viet Glory và Công ty TNHH Vienergy) đã trở lại làm việc.

Có thể nói, bên cạnh sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương, sự cầu thị của doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn các cấp đã phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của đoàn viên, NLĐ và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra hướng giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, cán bộ công đoàn đã vào cuộc trách nhiệm trên tinh thần vì đoàn viên, NLĐ và đồng hành với doanh nghiệp. Qua đây cũng cho thấy vai trò của cán bộ Công đoàn trong thương lượng, giải quyết các vụ ngừng việc tập thể.

“Cán bộ Công đoàn đã phân tích có lý, có tình các vấn đề, quan trọng nhất là các vấn đề đó được đa số NLĐ mong muốn, được doanh nghiệp đồng tình. Và khi được đáp ứng những mong muốn thì NLĐ có trách nhiệm trở lại với doanh nghiệp, để nỗ lực làm việc tốt hơn”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Sáng tạo, hiệu quả trong chăm lo cho đoàn viên, NLĐ

Năm 2021, theo báo cáo của các địa phương, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, tính đến ngày 26/1/2022 có 19 doanh nghiệp ở 11 tỉnh/thành phố còn nợ 44.509.287.199 đồng tiền lương của 1.992 NLĐ, bình quân nợ 22,3 triệu đồng/người. Ngoài ra, có 6.111 NLĐ tại 59 doanh nghiệp ở 11 tỉnh nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền là 82.128.093.358 đồng.

Trước tình hình trên, tổ chức Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp giải quyết tình trạng nợ lương và đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Ngoài ra, các cấp Công đoàn đã dành nguồn lực để thăm, động viên, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tại các doanh nghiệp bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cập nhật sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần (ngày 9/2/2022), đã có 6 doanh nghiệp thanh toán một phần/toàn bộ tiền nợ lương là 4,965 tỷ đồng của 658 NLĐ; đã có 10 doanh nghiệp thanh toán toàn bộ số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 13,04 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cấp Công đoàn đã chủ động, quyết liệt, phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, năm nay, các cấp Công đoàn đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo các hình thức chăm lo phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, hoàn cảnh của đoàn viên, NLĐ.

Theo báo cáo của 83/83 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, trong đợt Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, đã có gần 9 triệu đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng các hoat động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng nguồn kinh phí là gần 5.850 tỷ đồng; thông qua các hình thức như: Hỗ trợ quà và tiền mặt; hỗ trợ vé tàu, xe để đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết; hỗ trợ xe đưa đoàn viên, NLĐ về quê ăn Tết; tổ chức trao tặng nhà “Mái ấm Công đoàn”…

Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà cho biết: Bên cạnh các hình thức chăm lo truyền thống vẫn được duy trì như thăm hỏi, tặng quà, mua vé tàu, xe, vé máy bay, tặng nhà Mái ấm Công đoàn, gặp mặt trực tiếp, gửi thư chúc Tết…, các cấp Công đoàn đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo các hình thức chăm lo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đoàn viên và NLĐ, của tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương như: Các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bốc thăm trúng thưởng, mở các gian hàng bán giảm giá, gian hàng 0 đồng; tổ chức những chương trình Tết cho con em công nhân lao động tại doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu nhà trọ; ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết, vui xuân đón Tết; tổ chức chương trình tặng vé du xuân, tặng cành đào, tặng bánh chưng, tặng giỏ quà Tết đối với đoàn viên, NLĐ không thể về quê đón Tết…

Đặc biệt, các hoạt động chăm lo Tết của các cấp Công đoàn luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu, tham gia phối hợp tổ chức, phục vụ 80 đoàn của 33 đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đi thăm, chúc Tết và tặng quà đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại 63 tỉnh, thành phố.

Tổng số tiền thăm, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ gần 19 tỷ đồng. Sự quan tâm kịp thời, những món quà nghĩa tình, ấm áp dành cho đoàn viên, NLĐ đã giúp đoàn viên, NLĐ càng thêm tin tưởng vào đường lối, lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cảm nhận được tình cảm gần gũi, ấm áp mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao gửi gắm đến đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này