5 thách thức cần được giải quyết nhằm khôi phục chuỗi cung ứng

11:05 | 23/02/2022
(LĐTĐ) Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Alain Cany, nhấn mạnh 5 thách thức chính cần được giải quyết nhằm giúp Việt Nam khôi phục chuỗi cung ứng trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

Theo ông Alain Cany, các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin với môi trường đầu tư “bình thường mới". Năm 2021 đã đánh dấu tròn một năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và loại bỏ gần như 99% các dòng thuế.

Cũng theo ông Alain Cany, trong năm 2021, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã tăng 14,8%, đạt khoảng 63,6 tỷ USD. Giờ đây, khi Covid-19 đã dần được kiểm soát, cùng với việc EVFTA có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh. Tuy nhiên, nhằm khôi phục chuỗi cung ứng trong thời gian tới, Chủ tịch EuroCham cho rằng, Việt Nam cần giải quyết 5 thách thức chính.

Thứ nhất, về điện và năng lượng trong tương lai của Việt Nam. Sau Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), ông Alain Cany bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đường lối chính sách của Việt Nam tại COP26 với cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và loại bỏ sử dụng điện than. Dù vậy, Đề án Quy hoạch điện VIII về quy định phát triển điện vẫn quyết định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao cùng với mức công suất điện gió ngoài còn hơi khiêm tốn. Điều này có thể dẫn đến chi phí điện tăng cao một cách không cần thiết.

5 thách thức cần được giải quyết nhằm khôi phục chuỗi cung ứng
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

"Vì thế, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Chính phủ xem xét kỹ việc phê duyệt nhà máy điện than mới trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Tiếp theo, cho phép người tiêu dùng tiếp cận nguồn năng lượng điện sạch bằng cách thực hiện các hợp đồng mua bán điện trực tiếp trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với các nhà máy năng lượng sạch. Điện gió ngoài khơi cũng cần được phát triển.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh một nền kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng ở EU trong một vài năm như một điểm tham khảo mới trong việc sản xuất và tiêu dùng trong tương lai. Vì thế chúng tôi rất vui mừng khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường được thi hành vào ngày 10/1 vừa qua đã đề cập đến kinh tế tuần hoàn. Đây là một bước tiến hướng tới tương lai mà Chính phủ Việt Nam đưa ra để trở thành một đối tác tiến bộ, bền vững, đáng tin cậy”, ông Alain Cany nhấn mạnh.

Theo ông Alain Cany, để tiếp tục hướng tới và đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra cần phải có sự hợp tác giữa Việt Nam và Châu Âu cùng với các đối tác kinh doanh quốc tế. EuroCham sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi hợp tác phát triển quốc tế.

Thách thức thứ 2 mà ông Alain Cany đưa ra là về chăm sóc y tế. EuroCham đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam qua việc tạo điều kiện cho các công ty dược và nguồn cung cấp thuốc ổn định vào Việt Nam. Cùng đó là các nỗ lực của Bộ Y tế về việc sửa đổi quy định về Y tế trong tình hình mới.

Thứ ba, về kỹ thuật số. Việt Nam cần tiếp cận nhanh chóng và đơn giản hóa quy trình dịch vụ công để giảm chi phí và cho phép đổi mới sáng tạo. Điện toán đám mây sẽ có vai trò nhất định trong việc tạo ra các dịch vụ công tốt hơn và tạo được sự hợp tác cho các ban ngành.

Thứ tư, về nhập cảnh cho người nước ngoài, ông Alain Cany cho biết: “Chúng tôi vui mừng trước quy định giảm thời gian cách ly cho người nhập cảnh xuống còn 3 ngày cũng như bãi bỏ các thủ tục phê duyệt. Việc quay trở lại các quy định về thị thực trước đại dịch là rất cần thiết để nhanh chóng mang lại dòng vốn FDI cho Việt Nam và bảo đảm rằng hàng chục nghìn doanh nghiệp quốc tế đã có mặt tại Việt Nam hiện nay tiếp tục đóng góp phát tăng trưởng kinh tế trong những năm tới”.

Thứ năm, ông Alain Cany chia sẻ quan điểm của Chính phủ trong chiến lược phát triển du lịch. Đại diện EuroCham bày tỏ sự vui mừng khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố lộ trình mở cửa du lịch trong thời gian tới.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này