Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày

11:11 | 21/02/2022
(LĐTĐ) Đầu năm, sứa nổi lên mặt trên vùng biển ở xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhiều vô kể, ngư dân nơi đây hối hả đi vớt sứa về ướp lá dung dưới cái lạnh tê tái nhưng lại thu về hàng triệu đồng mỗi ngày.
Bé trai bị dị ứng nặng với sứa biển Người dân vùng lũ nhận được "lộc trời"

Mùa sứa bắt đầu từ tháng 1 cho đến tháng 4 (Âm lịch). Những ngày đầu năm thời tiết rất lạnh nhưng lượng sứa dạt vào biển với số lượng lớn nên khi đến địa phương này, người ta dễ bắt gặp cảnh ngư dân tất bật rộn ràng đánh bắt sứa về chế biến theo cách dân gian truyền lại.

Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Mùa sứa biển bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 Âm lịch

Trên con thuyền nhỏ lềnh đềnh trên mặt nước, ông Đặng Văn Hà (xã Kỳ Ninh) cho biết, công việc thường ngày của ông làm nghề chài lưới trên biển đánh bắt cá. Những năm gần đây từ tháng 1 đến tháng 4 Âm lịch trên vùng biển này, sứa bắt đầu sinh sôi phát triển nên ông tập trung đánh bắt sứa. Sứa nổi lên dập dềnh trên mặt nước khoảng 4 tháng khi đến mùa nắng nóng thì biến mất và đến năm sau lại xuất hiện.

Sứa ở biển Kỳ Ninh đi theo đàn cách bờ khoảng một hải lý nên cứ 2-3 tiếng đồng hồ đánh bắt, thuyền lại trở vào bờ với sứa đầy khoang. Mỗi ngày thuyền ra khơi đánh bắt 3-4 chuyến, mỗi chuyến được gần một tấn sứa tươi. Do lượng sứa rất nhiều nên các hộ đánh bắt đều huy động hết nhân lực, phương tiện để vận chuyển và sơ chế sứa ngay tại bãi biển.

Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Đánh bắt sứa biển ở khu vực gần bờ nên ít xảy ra nguy hiểm

Đang chế biến sứa trên bãi biển, bà Lê Thị Thu (xã Kỳ Ninh) kể: Năm nay gia đình bà ra biển vớt lộc từ mùng 8 tháng Giêng, đến thời điểm này đã thu về hơn 30 triệu đồng. Hỏi về cách sơ chế sứa như thế nào cho hiệu quả, bà Thu cho biết: Sứa sau khi đưa lên bờ được sơ chế ngay tại bãi biển, cắt riêng phần thân và phần chân, sau đó thái ra thành những mảnh nhỏ, phủ một lớp cát mỏng cho ráo nước, sau đó làm sạch rồi mới đưa đi chế biến. Sứa tươi sau khi sơ chế được ướp với lá lấu xay nhỏ trong vòng 2 ngày, sau đó rửa sạch, tiếp tục ngâm tẩm với bột lá dung một đêm, khi sứa đã ngả sang màu vàng, đạt được độ thơm và giòn thì mới đạt chuẩn.

Dịp đầu năm như thế này sứa đạt tiêu chuẩn cao. Bên cạnh đó, sứa đầu mùa rất được giá, dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/kg sứa đã chế biến. Thu nhập từ đánh bắt sứa không nhỏ nên hằng năm, cứ đến mùa, nhiều gia đình huy động hết nhân lực để đánh bắt và chế biến theo phương pháp từ bao đời nay là ướp lá dung.

Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Sau khi sứa được đem vào bờ ngư dân tranh thủ sơ chế luôn

Ông Trần Ngọc Phú - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kỳ Ninh, cho hay, nghề đánh bắt sứa ở đây có từ lâu đời. Toàn xã hiện có khoảng hơn 100 hộ theo nghề này. Bình quân một mùa sứa đi qua, mỗi gia đình thu nhập hơn 50 triệu đồng, có những hộ lên tới cả trăm triệu đồng chỉ sau 4 tháng...

Sứa biển là loài dễ đánh bắt, ít rủi ro vì không phải ra khơi xa. Nghề làm sứa ướp lá dung không chỉ mang lại thu nhập khá cho bà con mà sản phẩm này đang dần trở thành thương hiệu của xã Kỳ Ninh, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận:

Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Người dân vùng biển xã Kỳ Ninh vui mừng khi được mùa sứa
Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Sứa được tách ra từng bộ phận
Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Sơ chế sứa tại bãi biển
Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Sứa năm nay trôi dạt vào gần bờ biển sớm hơn so với mọi năm
Ngư dân Hà Tĩnh vớt lộc trời dưới cái lạnh tê tái kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày
Người dân huy động hết nhân lực trong nhà để thu hoạch sứa

Nguyễn Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này