Dự báo lạm phát 2022: Những vấn đề cốt lõi cần quan tâm

17:25 | 19/02/2022
(LĐTĐ) Bước sang năm 2022 với một tâm thế mới, linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện bình thường mới, sẽ góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Những yếu tố giúp chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng thấp nhất trong 5 năm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) D.Raja CPI 5 tháng đầu năm mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Năm 2022, với chỉ tiêu phấn đấu GDP từ 6 đến 6,5% và CPI ở mức 4%, đây là một mục tiêu phấn đấu khá cao đòi hỏi quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều giải pháp cụ thể đồng thời phấn đấu ngay từ những tháng đầu năm. Riêng về dự báo lạm phát, để đạt được chỉ tiêu đề ra chung ta cần quan tâm đến những yếu tố sau:

Điều đầu tiên cần đề cập tới đó là, sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác; đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất… Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp tuy mức độ có đỡ nguy hiểm hơn. Vì vậy, các nước đang lần lượt mở cửa trở lại về du lịch, dịch vụ và phát triển sản xuất, từ đó dẫn tới giá năng lượng, nguyên nhiên vật, liệu... sẽ tăng lên, điều đó gây bất lợi cho chúng ta.

Dự báo lạm phát 2022: Những vấn đề cốt lõi cần quan tâm
Năm 2022, CPI phấn đấu đạt mức 4%

Mặt khác, các chi phí về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chịu ảnh hưởng của việc các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa được nối lại hoàn toàn, làm cho chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa. Điều đó cũng tạo thêm những áp lực lạm phát ngay từ những quý đầu năm 2022.

Trước thực trạng ấy, để khắc phục những khó khăn ở trên cần từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.

Khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.

Yếu tố thứ hai cần quan tâm đến đó là cầu tiêu dùng, sau một thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được bung ra một cách mạnh mẽ hơn, làm cho nhu cầu mua sắm du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kì mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch. Chính vì vậy sẽ tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm, mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch, trong đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa.

Yếu tố thứ ba khi nói đến lạm phát, chúng ta không thể không nói đến vai trò của hệ thống phân phối quốc gia. Kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch, một khi chợ, kể cả chợ đầu mối, siêu thị bị tạm thời đóng cửa với số lượng lớn, thì việc đảm bảo cho tiêu dùng bị gián đoạn. Hàng hóa, nhất là hàng nông sản không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Trong khi đó ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra những hiện tượng đầu cơ nâng giá làm cho giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả và túi tiền của người tiêu dùng bị xâm hại một cách vô lý.

Chính vì vậy, cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa một cách vững chắc, bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, không ép cấp, ép giá, chiết khấu, kiên quyết xử lý những hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên một cách vô lý trên thị trường.

Tình hình hiện nay cho thấy, nguồn cung hàng hóa Việt khá dồi dào, nhưng "cổ họng" bán lẻ còn hẹp và có lúc trục trặc không tiêu thụ hết. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, hệ thống các chợ đầu mối kiêm sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, các kho dự trữ, bảo quản hàng lạnh, hàng chuyên dùng, ứng dụng công nghệ số, sàn thương mại điện tử để giao dịch hàng hoá nhanh, ít chi phí, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên các địa bàn, giáo dục thái độ nhân văn, chia sẻ trong chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ... Tất cả những việc làm trên nhằm hạn chế những biến động về giá cả, góp phần vào việc hạn chế tốc độ tăng CPI chung trong năm 2022 và cả cho những năm tiếp theo.

Ngoài những yếu tố trên, về mặt vĩ mô, cần kiên quyết chỉ đạo đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Thu chi ngân sách đúng kế hoạch và hiệu quả. Tiếp tục mở rộng đầu tư công, nhất là cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt các thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tiết kiệm chống lãng phí tham nhũng. Xây dựng bộ máy hành chính phục vụ nhân dân trong sạch, vững mạnh. Khơi dậy lòng yêu nước, ý chí vươn lên trong các vị trí, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, tính nhân văn, chia sẻ trong cộng đồng các doanh nghiệp và trong xã hội: “Rủi ro chia sẻ lợi nhuận hài hòa” như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Làm tốt những vấn đề trên chắc chắn chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 sẽ có khả năng chỉ dao động trong khoảng 2,7-3,5%, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này