Cử tri băn khoăn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian gần đây

23:05 | 15/02/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 8, ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.
Giá xăng, dầu tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít từ 15h ngày 11/2 Hà Nội đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho người dân trên địa bàn Giá xăng, dầu đồng loạt tăng cao
Cử tri băn khoăn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian gần đây
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Cử tri tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc Tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cử tri đặc biệt quan tâm và kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Cử tri cũng quan tâm về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán; về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; về việc mua vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; về tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây; về việc nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả...

Cử tri băn khoăn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian gần đây
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo. (Ảnh: Quốc hội)

Ban Dân nguyện đã nhận thêm 212 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Như vậy, tính đến nay, mặc dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng đã có 1.531/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ngành xem xét, giải quyết, trả lời.

Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi tới các cơ quan của Quốc hội giảm 6,86% so với tháng trước; trong đó, số đơn thư đủ điều kiện xử lý tăng 1,17%, số đơn không đủ điều kiện xử lý giảm 1,18%.

Cc khiếu nại của cử tri chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, thực hiện dự án đầu tư; việc giao đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đề nghị Chính phủ hỗ trợ mua lại dự án BOT; đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; khiếu nại kết luận điều tra của cơ quan điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát; đề nghị giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp kinh doanh thương mại và tranh chấp chia thừa kế...

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo rất công phu, đầu tư nhiều công sức.

Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều biến động khó lường, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, các đại biểu đề nghị Ban Dân nguyện và các Đoàn Đại biểu Quốc hội đôn đốc các cơ quan chức năng kịp thời nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trong phòng, chống dịch, đưa ra các hướng dẫn cụ thể về điều kiện và phương pháp điều trị, cách ly tại nhà cho bệnh nhân Covid-19; nâng mức hỗ trợ và chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch; đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng thuốc chống Covid-19 đối với trẻ em, đặc biệt với các trường hợp mắc bệnh đặc thù; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng dịch cho người dân, tránh chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch…

Lưu ý vấn đề liên quan đến giao dịch đất đai

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý vấn đề liên quan đến giao dịch đất đai, đề nghị các cơ quan chức năng cần khách quan, thận trọng, tỉnh táo, đảm bảo công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên.

Cụ thể, trong lĩnh vực mua bán quyền sử dụng đất, thực tiễn không chỉ nảy sinh vấn đề bỏ cọc đấu thầu, mà còn nảy sinh nhiều vấn đề khi các nhà đầu tư tư nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Dạng vấn đề thứ nhất là thời điểm chuyển nhượng thì giá còn thấp, nhưng ký hợp đồng xong thì giá tăng nên bên bán không muốn bán, muốn hủy hợp đồng. Đôi khi hợp đồng soạn thảo không chặt chẽ nên việc phân xử khó khăn.

Dạng vấn đề thứ hai là có hợp đồng mua, hợp đồng bán nhưng chỉ là dòng tiền giả để tạo ra lợi nhuận, từ đó cải thiện hình ảnh của mình trên thị trường chứng khoán.

Cử tri băn khoăn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian gần đây
Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Dạng vấn đề thứ ba là hợp đồng hứa mua và hứa bán, tức là hợp đồng tương lai. Trên thế giới quy định về hợp đồng tương lai rất kỹ, rất chặt chẽ, nhưng ở Việt Nam chưa phổ biến, trong quá trình thực hiện mới nảy sinh bất ổn. Các bên lập hợp đồng dạng này cũng không chặt chẽ nên khi giá tăng thì người bán cũng không bán nữa. Do vậy cần rà soát để bảo vệ quyền lợi của các bên theo quy định của pháp luật.

“Đây là những dạng không bình thường trong tình hình kinh tế - xã hội. Cho nên khi các cơ quan chức năng xử lý cái này cần hết sức thận trọng, rất khách quan để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội chú ý giám sát vấn đề này để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, sự công bằng của các bên liên quan. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tới một số vấn đề xảy ra trong thực tiễn và xã hội rất quan tâm, như sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xăng dầu, quản lý giá…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp cùng Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ để rà soát, lập danh mục đề xuất các vụ việc thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đôn đốc theo dõi, kiểm điểm hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội và cho ý kiến thảo luận để đưa vào Nghị quyết chất vấn của Quốc hội.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này