Đổi mới sản xuất ở làng bánh đa nem Ngự Câu

19:02 | 10/02/2022
(LĐTĐ) Theo người dân làng Ngự Câu (xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội), nghề tráng bánh đa nem của làng đã có từ hơn nửa thế kỷ. Ngày nay, nhờ kết hợp giữa cách làm truyền thống với cải tiến quy trình sản xuất giúp làng nghề có nhiều khởi sắc. Bánh đa nem của làng ngày càng phong phú hơn về chủng loại, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng.
Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường thăm, động viên người lao động hăng say sản xuất Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội động viên sản xuất đầu năm tại huyện Đông Anh

Ứng dụng khoa học công nghệ vào từng quy trình

Trước đây, mô hình sản xuất bánh đa nem của nhiều hộ gia đình ở Ngự Câu vẫn chủ yếu theo hình thức tự phát, tận dụng không gian đường làng, ngõ xóm để phơi bánh, quy trình sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái cá thể nên năng suất, chất lượng chưa đồng đều, đầu ra cho sản phẩm không ổn định.

Đổi mới sản xuất ở làng bánh đa nem Ngự Câu
Nghề truyền thống sản xuất bánh đa nem đến nay vẫn được nhiều hộ dân trong làng theo nghề, đem lại thu nhập chính cho các hộ

Từ nhiều năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, người dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển dần sang tráng bánh bằng máy. Theo đó, mỗi hộ gia đình đã nâng cao được năng suất, thời gian tráng bánh rút ngắn hơn và chất lượng bánh ngày một nâng lên.

Tay thoăn thoắt lật giở từng xếp bánh, ông Nguyễn Đình Tuấn với thâm niên hơn 20 năm làm nghề cho biết: “Trước đây, người dân trong làng làm nghề bằng phương pháp thủ công, sử dụng sức người là chính, mỗi ngày chỉ tráng được 5kg bột, ngồi trực tiếp bên bếp lửa đỏ. Ngày nay áp dụng máy vào sản xuất, tuy vẫn phải nhóm lò nhưng người làm nghề không phải ngồi trực tiếp bên bếp lửa như xưa, nhân công giảm, năng suất lao động cao hơn trước”, ông Tuấn chia sẻ.

Đặc biệt hơn, hiện nay trong thôn Ngự Câu có những hộ đã áp dụng sản xuất bánh đa nem theo mô hình khép kín với quy mô lớn đem lại năng suất cao. Tiêu biểu, cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình anh Nguyễn Quang Nam (chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công) từ năm 2017 đã đầu tư số vốn khoảng 2,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng 500m2, mua sắm dây chuyền sản xuất theo quy trình khép kín.

Đổi mới sản xuất ở làng bánh đa nem Ngự Câu
Trước kia công đoạn tráng bánh được thực hiện bằng tay nhưng nhiều năm gần đây, các hộ làm nghề đã chuyển sang tráng bằng máy (Ảnh chụp trước các đợt dịch Covid -19 bùng phát)

Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, biết đặt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đến nay cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công đã khẳng định hướng đi mới trong làng nghề Ngự Câu. Thành công bước đầu của cơ sở đó chính là biết áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, quy mô khép kín vào sản xuất trên cơ sở bí quyết làm nghề truyền thống của địa phương để cho ra sản phẩm bánh đa nem đảm bảo chất lượng, mịn màng, mềm dẻo, đặc biệt là không sử dụng chất tẩy trắng hay bất kỳ loại hóa chất bảo quản nào khác.

Điều quan trọng hơn, cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công đã giải quyết được vướng mắc quan trọng nhất tồn tại từ nhiều đời nay ở làng nghề đó là công đoạn phơi bánh phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

Để làng nghề phát triển bền vững

Chia sẻ rõ hơn về nghề truyền thống của làng, ông Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng thôn Ngự Câu cho biết: Ngày xưa số hộ làm nghề tráng bánh bằng tay chiếm 80%, ngày nay những hộ còn theo nghề đã chuyển sang áp dụng công nghệ, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất. Chính bởi lẽ đó mà hiện nay mặc dù số hộ theo nghề truyền thống ít hơn xưa nhưng nguồn hàng cung cấp ra thị trường gấp đôi so với trước.

“Với mong muốn duy trì, tôn tạo, giữ gìn nghề truyền thống, thời gian qua chúng tôi được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, Ủy ban nhân dân huyện, xã quan tâm, triển khai các biện pháp để gìn giữ bản sắc của làng nghề. Hiện nay 90% số hộ làm nghề đã áp dụng máy móc, sản xuất trong các nhà xưởng, cách làm này giúp giảm sức lao động cho con người, nguồn hàng cung cấp được dồi dào, chất lượng bánh được đảm bảo, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các hộ chú trọng thực hiện. Đó cũng là một trong những cách giúp thương hiệu bánh đa nem của làng được nhiều người tiêu dùng biết đến và chọn lựa”, ông Hùng chia sẻ.

Đổi mới sản xuất ở làng bánh đa nem Ngự Câu
Một số hộ đã áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, quy mô khép kín vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm (Ảnh chụp trước đợt dịch Covid-19)

Tuy nghề tráng bánh đa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nhưng các cấp chính quyền và người dân địa phương vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi để nghề truyền thống phát triển bền vững, bởi thực tế hiện nay, người dân làm nghề gặp khó khăn khi mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công, Nguyễn Quang Nam bày tỏ: “Để đảm bảo sản xuất, gia đình có 14 nhân công phục vụ dây chuyền làm bánh, theo đó mỗi tháng cung cấp 8 - 10 tấn bánh cho thị trường. Thị trường tiêu thụ lớn hơn, chúng tôi rất muốn mở rộng xưởng sản xuất tuy nhiên còn đang gặp khó khăn về mặt bằng”.

Từ những khó khăn đó, những người làm nghề mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện về vốn, mặt bằng sản xuất. Đặc biệt, các cấp, ngành, doanh nghiệp chú trọng khâu tư vấn, bao tiêu sản phẩm để việc sản xuất không bị gián đoạn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, tập huấn cải tiến cách làm giúp người làm nghề giữ vững và phát triển nghề truyền thống của làng. Có vậy, người dân nơi đây mới có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống này.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này