Nguy cơ gia tăng dịch bệnh sau Tết Nguyên đán ở thành phố Hồ Chí Minh

17:12 | 09/02/2022
(LĐTĐ) Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hơn 100.000 hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày nghỉ Tết cuối cùng Hơn 1.000 tỉ đồng chăm lo Tết Nhâm Dần cho người dân thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh: Ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong 8 tháng qua

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận mức giảm kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới và số ca trở nặng, tử vong. Cụ thể, trong ngày 5/2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ có 24 trường hợp mắc mới trên địa bàn Thành phố, thấp nhất trong hơn 8 tháng qua. Đồng thời, số ca mắc mới tại Thành phố trong hơn 1 tuần qua vẫn luôn duy trì ở mức 2 con số, số ca tử vong cũng giảm con 1 con số.

Tuy nhiên, ngay sau kỳ nghỉ Tết, số ca mắc mới tại thành phố Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu tăng nhẹ từng ngày, khi người lao động ở quê bắt đầu quay lại thành phố làm việc. Theo đó, trong ngày 7/2, số ca mắc mới là 76 ca, ngày 8/2, số ca mắc mới là 116 ca.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngày 8/2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Nguy cơ gia tăng dịch bệnh sau Tết Nguyên đán ở thành phố Hồ Chí Minh
Làn sóng người lao động quy lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc sau Tết tăng mạnh gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Do đó, Sở Y tế đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về, cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2, xử trí theo quy định.

Đồng thời, tăng cường rà soát, lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Bên cạnh đó cần phải tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định.

Các trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo trạm y tế thực hiện giám sát người nhập cảnh; tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường; tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, "ăn chín, uống sôi"…

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 mùa Xuân, báo cáo định kỳ hằng tuần kết quả thực hiện.

Các đội đặc nhiệm phòng chống Covid-19 sẽ phải giám sát, hỗ trợ quận, huyện và có cảnh báo sớm cho ban chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương khi phát hiện nguy cơ hoặc dấu hiệu cảnh báo bùng phát dịch bệnh trên địa bàn để chủ động giải pháp can thiệp, khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Sở Y tế giao các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, phòng xét nghiệm có xét nghiệm SARS-CoV-2 tăng cường rà soát, sàng lọc người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 đến khám tại bệnh viện, thực hiện xét nghiệm và cách ly kịp thời, đảm bảo phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Khi phát hiện ca có dấu hiệu nghi ngờ biến chủng Omicron (qua xét nghiệm RT-PCR), các cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo ngay đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để thực hiện điều tra, xác minh và gửi mẫu thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen theo quy định.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này