Làm việc xuyên Tết vì sức khỏe, sự bình yên của nhân dân Thủ đô

13:58 | 06/02/2022
(LĐTĐ) Trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, có không ít y, bác sĩ, nhân viên y tế trở thành F1, thậm chí là F0. Thế nhưng, với tấm lòng của người thầy thuốc, họ vẫn sẵn sàng dấn thân, cố gắng cống hiến hết khả năng của mình để hỗ trợ đồng nghiệp, người dân chiến đấu chống lại dịch bệnh.
Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục trao 100 suất quà cho cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố thăm, tặng quà y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Những ngày đầu năm, thời tiết Hà Nội chìm trong mưa lạnh, thế nhưng khi tới thăm Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, chúng tôi lại được chứng kiến những nhân viên y tế nơi đây “quay cuồng”, bận rộn tiêm chủng mũi 3 vắc xin Covid-19 cho người dân.

Dành chút thời gian rảnh rỗi trong ngày để trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, gần 200 nhân viên y tế của Trung tâm y tế quận đang phải làm việc với công suất gấp đôi so với bình thường.”

2 năm qua (từ năm 2020 đến nay), công việc của nhân viên y tế quận luôn trong tình trạng quá tải, ngày càng nhiều lên. Hiện, trên địa bàn quận có 3.448 ca Covid-19; khoảng trên 90% số ca F0 đang được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà.

Làm việc xuyên Tết vì sức khỏe, sự bình yên của nhân dân Thủ đô
Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm nỗ lực tiêm chủng cho người dân.

Hiện tại, quận Nam Từ Liêm có 10 trạm y tế lưu động, 1 khu thu dung điều trị với hơn 200 bệnh nhân F0, hơn 800 bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Tất cả các khâu truy vết, lấy mẫu, hướng dẫn tiêm phòng, quản lý ca F0, F1 cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà đều là những công việc mà các nhân viên y tế cơ sở phải thực hiện. Công việc nhiều, nhưng cả trung tâm y tế quận chỉ có gần 200 nhân lực (cán bộ, nhân viên y tế).

Chị Trang tâm sự, với công việc như vậy, tính ra trung tâm y tế quận phải có 400 nhân lực mới đáp ứng được. Để bổ sung nhân lực, trung tâm y tế đã đề nghị với quận huy động các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn hỗ trợ trạm y tế lưu động.

Tuy nhiên, trên thực tế có những bệnh viện lớn nhưng huy động nhân lực rất khó. Bên cạnh đó, nhân lực của y tế tư nhân không ổn định nên sự hỗ trợ của họ rất hạn chế.

“Do tính chất công việc đặc biệt, nhân lực lại thiếu nên có những lúc, một số người phải trực liền mấy ngày mà không được được nghỉ ngơi. Trong khi theo nguyên tắc, sau 24 tiếng trực, nhân viên y tế phải được nghỉ để tái tạo lại sức lao động. Ngay cả khi chúng tôi có 1 trạm y tế hầu hết nhân viên đều là F0 thế nhưng chúng tôi vẫn động viên anh em ở lại làm (theo dõi, điều trị tại trạm y tế), bởi nếu họ về, sẽ chẳng có ai làm.

Thậm chí, có những người F0 bị đau bụng, tiêu chảy nhưng vẫn phải ngồi lại làm việc. Hay với những trường hợp F1, về nguyên tắc phải được cách ly tại nhà theo đúng quy định nhưng hiện nay, nếu cách ly như vậy, chúng tôi rất khó khăn về nhân lực. Tôi cũng động viên anh em đến làm việc bình thường với 1 phòng cách ly riêng ở cơ quan, hạn chế tiếp xúc với mọi người”, bác sĩ Trang tâm sự.

Theo tìm hiểu, hiện nay, khi số ca F0 ngày càng tăng lên, trung tâm y tế quận điều phối, thành lập ra các nhóm, tổ chuyên môn, nhóm chuyên biệt. Trong đó, có các nhóm về điều phối F0, điều trị F0, cách ly y tế tại khu tập trung, cách ly tại nhà, xét nghiệm, điều tra truy vết… Đặc biệt, những thành viên trong các nhóm này đều làm được tất cả mọi việc của nhóm khác, một người có thể làm được nhiều việc.

Với nhiệm vụ của ngành y tế hiện nay, không thể tính một ngày mới làm việc bắt đầu từ mấy giờ và kết thúc vào mấy giờ. Bởi có những người 3 ngày liền làm không có giờ nghỉ. Họ chỉ tranh thủ nghỉ ngơi một lúc, sau đó lại “bắt tay” vào việc ngay.

Đơn cử như bản thân bác sĩ Trang, gần như chưa hôm nào chị ngủ trước 0h, có hôm 1, 2h chị vẫn làm việc. Nhiều đêm, chị chỉ kịp chợp mắt trong chốc lát, rồi lại tỉnh giấc bởi những tiếng chuông điện thoại liên tục vang lên khi cơ sở có việc cần chị giải quyết.

Theo lời bác sĩ Trang, từ đầu mùa dịch đến nay, Trung tâm y tế quận đã vào cuộc không biết bao nhiêu ổ dịch. Hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp bởi biến chủng mới Omicron, tốc độ lây lan nhanh chóng hơn, nhân viên y tế lại thêm phần vất vả. Để chuẩn bị tinh thần, đáp ứng kịp thời với biến chủng mới, trung tâm y tế rà soát lại toàn bộ các hoạt động như điều tra truy vết, điều trị, xét nghiệm, nhân lực… để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

“Trong giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất vẫn là nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, dù cường độ lao động nặng, thậm chí thu nhập bị giảm sút nhưng chúng tôi luôn động viên anh em, nhân viên y tế nêu cao y đức, tinh thần vì cộng đồng, sẵn sàng ngày đêm chiến đấu, cống hiến, với mong muốn đem lại bình yên cho Thủ đô”, bác sĩ Trang chia sẻ.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này