Chuyện về những người chăm sóc "Chúa sơn lâm"

19:56 | 05/02/2022
(LĐTĐ) Theo quan niệm của dân gian Việt Nam, hình tượng con hổ được coi là biểu tượng của sức mạnh, nguy hiểm và hung dữ. Ấy thế mà với những nhân viên tại Vườn thú Hà Nội, hàng ngày họ vẫn miệt mài với công việc, bất chấp hiểm nguy, chăm sóc "Chúa sơn lâm".
Những em bé chào đời trong ngày đầu tiên của năm Nhâm Dần Đầu năm mới kiêng kỵ không cho lửa, cho nước để tránh xui xẻo

Chuyện thường ngày

Một ngày đầu xuân Nhâm Dần, cùng gia đình đi tham quan vui chơi tại Công viên Thủ Lệ, tôi có dịp tìm hiểu, trò chuyện với những công nhân chăm sóc, nuôi dưỡng mãnh thú như: hổ, báo, gấu... Được tận mắt chứng kiến công việc của những cán bộ nơi đây tôi mới hiểu được nỗi vất vả của những "bảo mẫu" tại Vườn thú Hà Nội.

Chị Lê Thu Hà - bác sĩ thú y tại Vườn thú Hà Nội, kể, hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên Vườn thú có lúc phải đóng cửa, nhưng việc chăm sóc các loài vật tại đây vẫn diễn ra bình thường. Đợt này, Vườn thú Hà Nội đang cải tạo, xây dựng một số chuồng, trại để tạo không gian tốt hơn cho một số loài vật, trong đó có các “Chúa sơn lâm”.

Tại Vườn thú Hà Nội hiện có tổng cộng 9 cá thể hổ đang được chăm sóc, đa phần là giống hổ Đông Dương. Trung tâm chăm sóc được chia thành 2 khu: Khu chăm sóc hổ trưng bày và khu chăm sóc hổ sinh sản. Hiện tại, cá thể hổ nhỏ tuổi nhất tại đây là 3 tuổi, nhiều nhất từ 16-17 tuổi.

Chị Hà đưa tôi vào nơi ở tạm của một số con hổ để quan sát gần hơn loài mãnh thú này. Trước đó, để vào khu vực "không phận sự, miễn vào" này, chúng tôi phải báo cáo với đơn vị quản lý. May mắn được vào đây tác nghiệp, bên cạnh tôi luôn có một nam công nhân đi kèm, anh luôn nhắc tôi giữ khoảng cách an toàn với chấn song chuồng thú ít nhất 1m.

Năm Nhâm Dần kể chuyện những người chăm sóc "Chúa sơn lâm"
Chị Trần Thị Ngọc: "Việc chăm sóc các cá thể hổ vừa là niềm vui nhưng cũng nhiều khó khăn". (Ảnh: Lê Phú)

Tại đây, tôi gặp chị Trần Thị Ngọc, với dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt hiền hậu, ít ai nghĩ rằng chị là người đã gắn bó với công việc chăm sóc hổ hơn hai mươi năm. Lúc này, chị Ngọc đứng gần một con hổ lớn, nói chuyện với nó như người bạn. Con hổ trông to lớn, hung dữ, nhưng lại tỏ ra thân thiện với chị Ngọc.

Chị Ngọc là một trong số những công nhân được giao trọng trách chăm sóc những loài thú dữ của Tổ chăm sóc thú dữ (Tổ gồm hơn 10 thành viên), chia thành các ca kíp trực bắt đầu từ 7h30 tới 16h30 hàng ngày. Chuồng nuôi hổ được chia thành 2 khu, được ngăn cách bởi các bức tường bê tông và hàng rào sắt kiên cố.

Hơn 20 năm nay, công việc của chị Ngọc là tắm rửa và cho những chú hổ, sử tử, gấu ở trong công viên ăn. Xuất phát từ tình yêu thương động vật, công việc chăm sóc thú dữ đến với chị Ngọc như một cơ duyên.

Chị Ngọc tâm sự, những ngày đầu, khi mới đến làm việc tại công viên, chị gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị đã dần làm quen và ngày càng yêu thích công việc của mình.

"Những con vật hung dữ ấy cũng có tình cảm thân thiết như con người. Tôi vẫn thường vuốt ve chúng khi rảnh rỗi. Sáng nào thấy tôi các bạn ấy cũng mừng và có những cử chỉ âu yếm, thân thiện với mình.

Tuy nhiên, chúng vẫn là những loài vật ăn thịt, vẫn có bản năng hoang dã nên chúng tôi luôn phải đề phòng. Tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đã từng bị các vết cào, cắn của hổ và sư tử khi đùa nghịch với chúng", chị Ngọc nói.

Năm Nhâm Dần kể chuyện những người chăm sóc "Chúa sơn lâm"
Hiện tại, Công viên Thủ Lệ có 10 cán bộ công nhân thay nhau chăm sóc, nuôi dưỡng các loại thú dữ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng theo chị Ngọc, chế độ ăn của hổ cũng phải đảm bảo chất lượng, thức ăn tươi sống và đầy đủ chất dinh dưỡng. Từng con hổ theo lứa tuổi khẩu phần ăn sẽ khác nhau. Mỗi suất ăn của hổ sẽ bao gồm thịt bò và sườn, thực đơn cũng có thể thay đổi theo ngày.

Tuy nhiên, với những cá thể hổ trẻ tuổi thì có thể cho ăn cả tảng thịt lớn hoặc xương, nhưng với cá thể hổ lớn tuổi chế độ ăn lại phải thay đổi cho phù hợp.

Những lúc chúng vui sẽ thường xuyên chạy nhảy, chơi đùa. Lúc hổ ốm sẽ nằm bệt, bỏ ăn. Những lúc như vậy, chị Ngọc phải vuốt ve, dỗ dành để chúng ăn. Mỗi khi thấy hổ có vẻ mệt mỏi, bỏ ăn là lòng chị lại nóng như lửa đốt.

Tâm huyết với nghề đã chọn

Cũng như chị Ngọc, đều đặn 7h30 mỗi ngày, anh Nguyễn Quang Phúc - Tổ trưởng Tổ thú dữ, lại có mặt tại chuồng nuôi hổ để cùng những công nhân khác bắt đầu cho ngày làm việc.

Anh Phúc đã gắn bó với việc chăm sóc hổ tại Vườn thú Hà Nội từ năm 1996 tới nay. Suốt hơn 25 năm làm việc, anh Phúc vẫn còn nhớ lần bị thương khi cho hổ ăn cách đây 18 năm.

"Nguyên tắc cho thú ăn là phải đưa cả tảng thịt để chúng lấy răng xé. Khi đó tôi cầm tảng thịt vứt qua cửa, nhưng miếng thịt bị kẹt ở chấn song nên tôi cố đẩy vào. Con hổ đói vồ nhanh như chớp, móng vuốt vô tình móc xuyên bàn tay phải của tôi.

Nếu không có kinh nghiệm, một người giật mình, tay yếu, có thể bị hổ lôi vào chuồng, rất nguy hiểm. Tôi khi đó phải gồng hết sức, chấp nhận vết thương rách toạc để giật tay lại", anh Phúc kể.

Nhìn vào vết sẹo trên tay, anh Phúc cho biết phải rất cảnh giác và tuân thủ quy định an toàn tuyệt đối, vì chỉ cần bất cẩn một giây là tai nạn sẽ ập đến. Để làm được công việc hiện tại ngoài việc kiên trì, can đảm thì cần phải dành tình cảm, tình yêu thương với động vật.

Năm Nhâm Dần kể chuyện những người chăm sóc "Chúa sơn lâm"
Khi cho hổ ăn, phải rất cảnh giác và tuân thủ quy định an toàn tuyệt đối. (Ảnh: Tuấn Anh)

Về khoản ăn uống, hổ thuộc loại ăn tốn kém và kén chọn nhất. Mỗi ngày, suất của một chú hổ là 5 kg thịt bò và 1kg kg sườn, tất cả đều phải là thịt tươi ngon loại đầu bảng.

Ngoài ra, cứ đến ngày cuối tuần, hổ được bổ sung 2 lạng gan nhằm điều tiết hệ tiêu hóa, tránh bị táo. Những ngày Tết, thịt bò đắt đỏ, có khi không mua được loại ngon, anh em phải mua gà về cắt tiết vặt lông, làm sạch lòng mề thì hổ mới chịu ăn, chứ để cả con thì bỏ ngay.

"Vừa cho ăn, chúng tôi phải vừa theo dõi chúng ăn nhanh hay chậm, có bỏ ăn, uể oải hay không để phát hiện dấu hiệu bất thường. Ấy là những lúc cho ăn, sau khi hổ ăn, chúng tôi lại phải thường xuyên kiểm tra… phân của hổ, để thay đổi khẩu phần ăn sao cho phù hợp. Nếu hổ bị bệnh đường ruột thì tăng xương, bị táo thì tăng gan, giảm xương…", anh Phúc nói.

Theo anh Phúc, nuôi hổ là nghề vất vả. "Mình ốm không sao chứ hổ ốm thì lại khổ”, anh Phúc cười đùa. Do việc nuôi nhốt không được như tự nhiên, nên phải cố gắng làm sao để hổ được sống trong điều kiện tốt nhất trong khả năng...

Dõi mắt theo những "đứa con" sau song sắt, anh Phúc trầm ngâm: "Anh em trong Tổ thú dữ tại đây đều tự nhủ với nhau chăm sóc hổ phải có tâm mới gắn bó được với nghề".

Ông Phạm Đình Mạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật (Công viên Thủ Lệ), cho biết, hiện tại, Công viên Thủ Lệ có 10 cán bộ, công nhân thay nhau chăm sóc, nuôi dưỡng các loại thú dữ. Tất cả công nhân đều thay ca nhau làm việc bất kể ngày lễ, Tết.

Công việc của họ bắt đầu từ 7h đến tận đêm. Mỗi cán bộ chăm sóc thú đều thân quen với hổ, sư tử như những người thân trong gia đình. Lịch làm việc của anh em trong đội ngày nào cũng vậy, sáng bắt đầu từ 7h30 với công việc dọn vệ sinh chuồng trại, thay cát bể vầy. Đến 10h bắt đầu cho ăn, loài hổ đặc biệt chỉ ăn một bữa trong ngày. Đến chiều, nhân viên lại lùa hổ ra chuồng phụ. Nghe có vẻ rất nhàn nhã nhưng thực ra nếu ai được tận mắt chứng kiến công việc sẽ hiểu được nỗi vất vả.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này