Đi lễ chùa đầu xuân an toàn trong mùa dịch

10:19 | 01/02/2022
(LĐTĐ) Phong tục lễ chùa đầu xuân đã trở thành nếp văn hóa tâm linh gắn liền với tín ngưỡng, là nét đẹp của nền văn hóa Việt. Vẫn phong tục đó, nhưng với năm mới Nhâm Dần 2022 này, mọi người đi lễ chùa đầu năm đã có ý thức tự đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Không chỉ cầu tài lộc cho bản thân mà mỗi người đều có chung một mong ước đủ đầy về sức khỏe và dịch bệnh tiêu tan.
Người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang đi lễ chùa ngày Mùng 1 Tết Đầu xuân đi lễ Chùa Hà Nô nức đi lễ chùa Đậu đầu Xuân

Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Nam Trực, Nam Định) đến chùa thắp hương để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Chị Tuyết cho biết, năm nào chị cũng cùng gia đình đi lễ chùa cầu may. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chỉ có chị và con trai đại diện cho gia đình đi lễ, thời gian đi lễ cũng ngắn gọn và nhanh chóng hơn.

“Năm qua là một năm khó khăn nên tôi cầu mong năm mới bình an, nhiều may mắn, nhất là mong cho dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi để cuộc sống được bình yên trở lại. Để đảm bảo an toàn, khi đi chùa, tôi chủ động đeo khẩu trang, sát khuẩn, tránh tụ tập chỗ đông người và thực hiện các nghi lễ nhanh chóng hơn mọi năm”, chị Tuyết cho biết.

Đi lễ chùa đầu xuân an toàn trong mùa dịch
Đi lễ chùa đầu năm là một trong những nét đẹp của người Việt

Không chỉ chị Tuyết mà đi chùa đã trở thành một việc làm không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bà Lê Thị Hương (Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết, khác với mọi năm, năm nay, bà chọn thời điểm buổi trưa để đến chùa đi lễ, tránh trường hợp tập trung đông đúc. Cũng theo bà Hương, mặc dù số lượng người không quá đông đúc như thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19, nhưng mật độ người đến lễ tại chùa vẫn khá đông. Đa phần mọi người đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh.

“Mỗi độ Tết về, khi được sum họp, quây quần bên người thân, cùng đi với nhau đến những nơi thanh tịnh trong thời gian nghỉ ngơi để vãn cảnh đó là lúc trải nghiệm sự an yên của thân, trí, tâm của mỗi người. Từ đó, cảm nhận về sự yêu thương bên cạnh người thân và vượt ra khỏi gia đình là thân hữu, cộng đồng… Đó là nét đẹp thể hiện ý nghĩa thiết thực của đời sống con người đáng trân trọng, cần được duy trì. Năm nay, mặc dù cả gia đình tôi không được cùng nhau vãn cảnh chùa đầu năm nhưng trải qua một năm dịch bệnh, tôi cảm thấy thực sự may mắn khi mọi người trong gia đình vẫn bình an”, bà Hương xúc động bày tỏ.

Từ xưa đến nay, mọi người đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình, cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đến chùa mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn. Ai cũng tin tưởng vào năm mới tốt đẹp vì lời khấn nguyện thành tâm đã đến được các đấng linh thiêng…

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích đi lễ đầu năm cầu bình an, may mắn được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc đi lễ hội năm nay không thể như thường lệ, mà phải thực hiện theo bình thường mới, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo đó, người dân khi đi lễ trong điều kiện bình thường mới cần nâng cao cảnh giác hơn. Càng chỗ đông người càng cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Về phía chính quyền, Ban quản lý lễ hội, khu du lịch tâm linh… khi mở cửa tiếp khách cần cam kết với chính quyền địa phương về việc tổ chức, thực hiện đúng theo các quy định phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách... Các điểm đến này cũng cần có giải pháp phân luồng tiếp nhận du khách theo số lượng nhất định, hoặc áp dụng cầu nguyện online để đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Về phía người dân, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế nơi công cộng, trong đó có hoạt động du xuân vãn cảnh đền, chùa như đeo khẩu trang y tế đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng, không tụ tập đông người...

Được biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước tổ chức nghi lễ cầu an Tết Nhâm Dần đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch và các hoạt động mừng Xuân mới an vui.

Theo đó, các chùa, cơ sở tự viện tăng cường nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống dịch Covid-19, không lơ là, chủ quan; tuyên truyền, phổ biến việc chấp hành nghiêm quy định của các cấp chính quyền đảm bảo an toàn trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội để đồng bào Phật tử và nhân dân vui Xuân, đón Tết.

Các chùa, cơ sở tự viện và tăng, ni khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần phải đảm bảo không tập trung đông người, nghi lễ trang nghiêm, thời gian phù hợp ngắn gọn, tiết kiệm.

Đồng thời, tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, các buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi với đồng bào Phật tử trong nước và Việt kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, giảm các tác động căng thẳng tâm lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài vừa qua...

Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc. Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này