“Mở cửa” để du lịch không còn “đóng băng”, “xuống đáy”

10:28 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Trước sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn cùng việc tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi, đưa du lịch trở lại, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm hướng đi cho ngành. Theo đó, ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra luồng gió mới, tia sáng tích cực, được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Đây là động lực để Việt Nam quyết tâm phục hồi nền kinh tế du lịch.
Nghiên cứu, công bố cụ thể lộ trình mở lại hoạt động du lịch Quận Bắc Từ Liêm: Quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế 10 điểm đến thân thiện nhất cho du khách lần đầu thăm Đông Nam Á

Nỗ lực tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi

Tại Hội thảo trực tuyến "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" diễn ra cuối tháng 1/2022, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành Du lịch đóng góp 10% vào GDP cả nước, là ngành kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, ngành Du lịch chịu tác động nặng, tổn thất hết sức nặng nề, bị "đóng băng", "xuống đáy".

Trước sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn cùng việc tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi, đưa du lịch trở lại, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm hướng đi cho ngành. Theo đó, ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra luồng gió mới, tia sáng tích cực, được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế.

“Mở cửa” để du lịch không còn “đóng băng”, “xuống đáy”
Các địa phương đã sẵn sàng đón du khách trở lại (Ảnh minh họa: BT)

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng đề cập đến sự đồng lòng của các tổ chức, vai trò của hiệp hội, ban kinh tế tư nhân, các chuyên gia độc lập để có nhiều góc độ, từ đó, xem xét các địa điểm, đưa ra thông điệp, mở cửa. Dự báo, với tỷ lệ tiêm vắc xin vào top 10 thế giới, chủ trương của Thủ tướng về "Chiến dịch mùa Xuân tiêm chủng" đến ngày 30/3 với liều vắc xin thứ 3 phủ toàn dân thì đây là cơ hội để mở cửa toàn thị trường.

Theo đó, từ nay đến cuối tháng 3, các cơ quan chuẩn bị điều kiện để đón khách một cách thuận lợi, chắc chắn. Việt Nam cần nhìn lại, đưa ra thông điệp, thời điểm đón khách quốc tế, những việc cần làm, tính được bài toán điều kiện cần và đủ để mở cửa đón khách quốc tế. Quán triệt phương châm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19... để cánh cửa du lịch quốc tế mở nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phát triển

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng chia sẻ về kết quả của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo ông Khánh, Việt Nam đang trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra năm thứ 2, tác động nặng nề tới toàn bộ nền kinh tế của đất nước, đặc biệt là ngành du lịch. Cho đến nay, sau 2 năm chống chọi, nhiều quốc gia dần điều chỉnh quan điểm chống dịch từ "không Covid-19 tiến tới an toàn". Ngành du lịch của nhiều nước cũng có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi. Trong đó, Chính phủ, các Bộ, ngành Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh.

Cuối năm 2021, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam tái khởi động du lịch. Chương trình thí điểm tái khởi động du lịch từ tháng 11/2021 đến nay đạt được kết quả tích cực. Đây là bước đệm vững chắc để chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế sắp tới.

“Kết quả triển khai giai đoạn 1, từ ngày 2/11/2021, Bộ VHTT&DL ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo chương trình trọn gói, phối hợp với địa phương, các bộ ngành. Giai đoạn 2, từ tháng 1/2022, thực hiện triển khai để khách tham gia du lịch trọn gói và có thể du lịch tại một số địa phương khác.

Sau khi du khách hoàn thành du lịch trọn gói 7 ngày thì có thể hòa nhập cộng đồng, du lịch tại những địa điểm bổ sung. Giai đoạn 3 sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh, khách du lịch được hoàn toàn đón tiếp. VHTT&DL đang bổ sung hướng dẫn, thay thế, phù hợp với quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19. Bộ kết hợp với các ban, ngành... đảm bảo an toàn, cụ thể thành lập đoàn kiểm tra, sẵn sàng đón khách”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Sự sẵn sàng trở lại của các địa phương

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, sử dụng hộ chiếu vắc xin. Đến nay, Kiên Giang đón 10 chuyến bay quốc tế với hơn 1.200 khách du lịch, trong đó có Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Cộng hòa Uzbekistan...

Trong tháng 1/2022, Kiên Giang còn 6 chuyến bay, tháng 2 có khoảng 5 chuyến với khoảng 1.000 khách... Dù công tác đảm bảo an ninh, an toàn được đảm bảo, tuy nhiên, việc đón khách quốc tế còn phát sinh một số trường hợp khách quốc tế dương tính. "Các chuyến bay là sự khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực, phục hồi ngành du lịch của Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung", đại biểu tỉnh Kiên Giang khẳng định.

Với đề xuất mở cửa hoàn toàn cho du lịch nội địa và quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, các hoạt động về du lịch tại Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020-2021. Du lịch tại Hà Nội không đạt kế hoạch, giảm rất sâu. Năm vừa qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy kết nối hành lang an toàn, chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế.

“Mở cửa” để du lịch không còn “đóng băng”, “xuống đáy”
Hà Nội mong muốn các địa phương của miền Bắc cũng như trong cả nước cùng thống nhất nội dung đảm bảo an toàn khi du lịch trong mùa dịch để việc đi lại được thông suốt. (Ảnh minh họa: CT)

Đại diện Hà Nội có đề xuất mở cửa chính thức, hoàn toàn cho du lịch nội địa và quốc tế. Mở cửa từ 1/4 để có thời gian chuẩn bị phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng như hội nghị SEA Games. Đối với du lịch nội địa, 12 địa phương trong khu vực phía Bắc cùng ký kết thực hiện đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Hà Nội mong muốn các địa phương của miền Bắc cũng như trong cả nước cùng thống nhất nội dung đảm bảo an toàn khi du lịch trong mùa dịch để việc đi lại được thông suốt.

Ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) chia sẻ, thời gian qua, Ban IV đã dành nhiều cuộc nói chuyện, chia sẻ để tìm cách tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế.

Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng. "Vậy chúng ta phải mở thế nào? Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân, vì tương lai của đất nước", ông Trương Gia Bình nói.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, du lịch Việt Nam có những điểm mạnh để cho mở cửa thị trường, đó là sự sẵn sàng trở lại của các địa phương, sự quyết liệt và mong chờ của các doanh nghiệp lữ hành, cứ trú và vận tải. Nhà nước đã cho mở cửa bầu trời tại 10 thị trường với 14 chuyến bay/ngày, do đó, việc mở cửa du lịch quốc tế sẽ có nhiều kinh nghiệm và thuận lợi. Cùng với đó, nỗ lực bao phủ vắc xin toàn dân của Nhà nước sẽ tạo nên thế mạnh, cơ hội cho du lịch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc mở cửa du lịch quốc tế hiện nay còn một số khó khăn cần khắc phục. Đó là do dịch bệnh nên công tác khảo sát thị trường gặp khó khăn. Phòng, chống dịch bệnh chưa nhất quán giữa các địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã đuối sức sau thời gian dài thực hiện giãn cách, phòng, chống dịch. Nhân lực có chất lượng cao không còn bảo đảm như trước đây.

Cuối cùng, Bộ VHTT&DL kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng cho phép mở cửa lại thị trường quốc tế; công bố rộng rãi thời điểm mở cửa cụ thể; giao cho các bộ, ngành về phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn, quản lý các vấn đề liên quan.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này