Xây dựng trường mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

08:13 | 31/01/2022
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2022.
Mầm non ngoài công lập và nguy cơ thiếu trường, thiếu giáo viên sau mùa dịch Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi nuôi dạy trẻ mầm non Quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng giáo viên

Thông tư quy định 5 nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, gồm:

Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn: Xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm an toàn, dễ tiếp cận và công bằng đối với mọi trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, dụng cụ máy móc phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, phát hiện và xử lý kịp thời các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em; đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm thực hiện các yêu cầu, điều kiện và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Xây dựng trường mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non. (Ảnh minh họa, chụp thời điểm an toàn về dịch Covid-19)

Nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra với trẻ em như xử lý tai nạn thương tích, kỹ năng sơ cấp cứu, thảm họa thiên tai, dịch bệnh…

Hoạt động truyền thông: Khai thác các nền tảng công nghệ thông tin kết nối Internet để truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, gia đình và cộng đồng về xây dựng môi trường giáo dục an toàn; tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ, biện pháp và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em, về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu để xảy ra tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em; tuyên truyền về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, tại gia đình và ngoài cộng đồng…

Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng rà soát, đánh giá các tiêu chí về trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; chủ động phối hợp khắc phục các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn; huy động sự tham gia của các đơn vị liên quan trong kiểm định chất lượng công trình, cơ sở vật chất theo quy định…

Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em: Lồng ghép giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông qua hình thức trải nghiệm, thực hành xử trí tình huống bảo vệ bản thân phù hợp với nhu cầu, độ tuổi của trẻ em…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định 3 tiêu chí xây dựng cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích gồm: Cơ sở vật chất; cán bộ, giáo viên, nhân viên và môi trường sư phạm; tổ chức hoạt động, quan hệ nhà trường - gia đình và xã hội. Cơ sở giáo dục mầm non được công nhận bảo đảm tiêu chí an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích khi trong năm học không để xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, tai nạn thương tích nặng phải nằm viện hoặc tử vong; cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm quy định đạo đức nhà giáo; xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc có dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Trong mỗi tiêu chí bao gồm nhiều chỉ số, là căn cứ để nhà trường tự đánh giá; đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí an toàn và phòng, chống tai nạn thương tích của từng trường học.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non và Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai, đôn đốc công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng trường học an toàn…

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này