Xây dựng huyện Thanh Oai theo hướng đô thị

21:01 | 30/01/2022
(LĐTĐ) Huyện Thanh Oai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Song với tinh thần "xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", địa phương này vẫn tiếp tục nỗ lực triển khai bài bản, hiệu quả các nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, phát triển thành quận trong giai đoạn 2025-2030.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, chúc Tết nhân viên y tế và công nhân lao động Xây dựng hình ảnh thanh niên Hà Nội mang phẩm chất có tầm thời đại Huyện Thanh Oai: Ấm áp “Tết sum vầy - Xuân bình an”

Huyện Thanh Oai nằm ở phía Tây nam thành phố Hà Nội, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 12,4 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 8,3 nghìn ha, với dân số hơn 221 nghìn người. Đây cũng là mảnh đất nhiều làng nghề, với 44 làng được công nhận làng nghề; 266 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.

undefined
Nông dân huyện Thanh Oai ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Tuy nhiên, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã của huyện Thanh Oai mới chỉ đạt từ 1 đến 3 tiêu chí xã nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, xuống cấp; thu nhập người dân còn thấp, bình quân đạt hơn 8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 11%.

Song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, sau 10 năm triển khai Chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, huyện Thanh Oai đã đạt được nhiều thành quả.

Theo ông Bùi Văn Sáng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Oai, ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, nhiều dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn; đường ngõ xóm được triển khai. Trạm y tế, nhà văn hóa và 60 trường học được cải tạo, xây dựng mới, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 81%, tăng 46 trường chuẩn so với năm 2010. Ruộng đất sản xuất nông nghiệp cũng được dồn đổi, gắn với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp của người dân.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Thanh Oai xác định phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thanh Oai đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tất cả diện tích đất sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, hình thành các vùng sản xuất lúa, rau, quả ứng dụng công nghệ cao, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung diện tích hơn 6.000 ha, vùng trồng cây ăn quả 300 ha ở các xã Kim An, Thanh Mai, Cao Viên, Thanh Cao; vùng trồng rau an toàn hơn 100 ha tại thị trấn Kim Bài và các xã Kim An, Xuân Dương, Tam Hưng, Bình Minh; vùng nuôi trồng thủy sản 300 ha ở các xã Liên Châu, Tân Ước, Hồng Dương, Dân Hòa phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ.

undefined
Diện mạo nông thôn xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) ngày càng khang trang, sạch đẹp

Đáng chú ý, huyện Thanh Oai đã xây dựng thành công 31 sản phẩm OCOP, trong đó nổi bật là một số nhãn hiệu sản phẩm cây trồng như, gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, cam đường xã Kim An... từng bước nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt hiệu quả, năm 2020 đạt hơn 290 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Nhờ nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và người dân, toàn bộ 20 xã của huyện đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Thanh Oai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Chủ tịch huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh, huyện xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc.

Phát huy kết quả đã đạt được, Thanh Oai sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng đô thị. Theo Chủ tịch huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, phương châm thực hiện là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ", cách thức thực hiện "tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm từng bước".

undefined
Huyện Thanh Oai tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng đô thị. (Ảnh: Vũ Hà)

Thời gian tới, huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt "nhiệm vụ kép", thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết để đạt và vượt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXIII đề ra, đó là: Phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ rác thải, chất thải được thu gom, vận chuyển trong ngày đạt 100%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia 93,2%; phấn đấu có 1-2 trường chất lượng cao...

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ triển khai các công việc nhằm hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung có quy mô lớn ở một số địa bàn có lợi thế thuận tiện giao thông, tiếp tục triển khai khu đô thị Thanh Hà - Mỹ Hưng và các khu đô thị xanh, sinh thái mới tại khu vực phía Nam huyện bám theo đường trục phát triển kinh tế phía Nam - Cienco 5.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này