Lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau

11:33 | 31/01/2022
(LĐTĐ) Triển lãm "Tết xưa" của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giúp công chúng có thêm hiểu biết sâu sắc hơn về nghi lễ cổ truyền ngày Tết thông qua hơn 100 di sản tư liệu quý giá, qua đó góp phần giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
Đến chợ hoa Hàng Lược thưởng thức giá trị văn hóa của người Hà thành Trải nghiệm không khí xuân xưa tại Tết Việt – Tết Phố xuân Nhâm Dần 2022

Nội dung triển lãm được bố cục theo 3 phần, gồm "Phiên chợ ngày Xuân", "Cung chúc Tân Xuân", "Du xuân".

Với chủ đề "Phiên chợ ngày Xuân", những tài liệu, hình ảnh tại triển lãm khẳng định chợ Tết là một nét đẹp văn hóa, đậm dấu ấn truyền thống dân tộc mỗi dịp xuân về.

"Phiên chợ ngày Xuân" được tổ chức vào cuối năm, ấy là dịp để người ta hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu và để sắm Tết, đón một cái Tết tươm tất, đủ đầy.

Bên cạnh những mảng màu của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, chợ Tết có một dư vị rất riêng: Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ).

Lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau
Hình ảnh tư liệu tại triển lãm "Tết xưa".

Bên cạnh không khí của chợ Tết, những nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán cũng được tái hiệu qua những tư liệu của phần "Cung chúc Tân Xuân".

Trong đó, Tết Ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ đầu tiên của Tết cổ truyền. Nhà cửa được trang hoàng bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết với ước mơ về một năm mới nhiều may mắn. Một số nơi có phong tục dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà.

Lễ Giao thừa hay Lễ Trừ tịch diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm cũ, bắt đầu đón chào những điều mới mẻ trong năm tới. Giao thừa là lễ "tống cựu nghinh tân" với lệ đốt pháo để xua đuổi mọi buồn phiền, mang lại sự giòn giã, vui vẻ.

Sáng mồng một Tết, con cháu mừng tuổi, chúc thọ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ lại mừng cho con cháu mỗi đứa vài xu hoặc một hào, gọi là tiền mừng tuổi lấy may. Anh em, họ hàng, người thân đến nhà nhau lạy gia tiên và chúc cho nhau những lời hay ý đẹp.

Lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau
Những nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán.

Phần cuối "Du xuân" tái hiện mùa của lễ hội. Từ ngày mồng hai Tết trở đi đến suốt cả tháng Giêng, Hai, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người thì đi lễ, người thì du ngoạn, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng... Người ta gọi là thưởng xuân, chơi xuân.

Đến với không gian triển lãm Tết xưa vào ngày giáp Tết, PGS. TS. Vũ Thị Phụng - nguyên Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết: "Bước vào không gian Tết xưa, tôi cảm thấy rất thư thái, như được sống chậm lại và được trở lại hồi ức xưa với những cái Tết khi cuộc sống còn khó khăn nhưng ấm áp và nhiều kỉ niệm. Ấn tượng đầu tiên của tôi là về chủ đề triển lãm, rất đời thường và gần gũi, khơi gợi hoài niệm của những người cao tuổi, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự tò mò khám phá của lớp trẻ hôm nay.

Lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau
Bên cạnh Triển lãm "Tết xưa", Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng mở Chợ Tết phục vụ đông đảo khách tham quan.

Việc kết hợp tổ chức triển lãm với chợ Tết xưa đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi mong rằng Trung tâm mỗi năm đều tổ chức triển lãm kết hợp chợ Tết xưa, có thể mỗi năm sẽ khai thác một vài khía cạnh khác nhau, với tài liệu tư liệu khác và bằng cách làm khác.

Không gian triển lãm rất đẹp, nhã nhặn. Thú vị nhất là triển lãm lần này có ứng dụng công nghệ mới, khách tham quan có thể quét mã QR để xem thêm thông tin về hình ảnh, tài liệu tại đây. Bên cạnh đó, với công nghệ in laser, hình ảnh rất đẹp, sắc nét và chân thực".

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết (ở Phù Đổng Thiên Vương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Hình ảnh tại triển lãm làm cho ký ức về những cái Tết xưa trong tôi trở nên rõ ràng và sống động hơn. Tôi nhớ lại những ngày đón Tết khi xưa của gia đình mình, từ việc lau dọn bàn thờ gia tiên đến trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết. Mong rằng sẽ có thêm nhiều triển lãm như thế này để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về nét đẹp truyền thống của dân tộc ta".

Triển lãm "Tết xưa" của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phác họa một phần không khí Tết xưa với phong tục "Ăn Tết", "Lễ Tết" và "Chơi Tết" của cha ông. Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, Tết đến là mỗi lẫn truyền thống được tôn vinh để lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau.

Các hoạt động tương tác, tái hiện Tết Việt xưa đan xen tương ứng trong từng phần nội dung của triển lãm như phiên chợ ngày Xuân với bánh chưng xanh, cành đào thắm, ông đồ cho chữ… giúp người xem có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ những tài liệu, hình ảnh của Triển lãm, hy vọng công chúng sẽ tìm lại được những nét đẹp của Tết xưa đồng thời cung cấp nguồn sử liệu tin cậy phục vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam...

Triển lãm mở cửa tự do đến ngày 15/3 tại Khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Khách đến tham quan triển lãm được yêu cầu tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế về phòng, chống Covid-19.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này