Chuyện về những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch

13:46 | 01/02/2022
(LĐTĐ) Trong những ngày cao điểm chống dịch, nhiều cán bộ phường phải làm việc với hơn 100% sức lực, ngất lịm phải truyền nước nhưng vừa rút kim tiêm lại lao vào công việc. Thậm chí, họ còn phải rời xa gia đình, người thân, đi sớm về khuya, không quản ngại gian khó sẵn sàng túc trực tại nơi nguy hiểm; vừa hoàn thành trách nhiệm, vừa đem theo niềm tin đất nước sẽ thắng giặc Covid-19.
Đánh giá cấp độ dịch theo kiểu mới, Hà Nội chỉ còn 13 xã phường cấp độ 3 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thăm, chúc Tết lực lượng tuyến đầu chống dịch LĐLĐ huyện Đan Phượng thăm, tặng quà các y, bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch

Rút ống truyền lại lao vào công việc

Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Hoa - cán bộ Văn hóa Thông tin phường Vĩnh Tuy, quận Ba Đình, Hà Nội, lần mà chị cấp cứu vì ngất xỉu, phải truyền nước tại Bệnh viện Dệt May cũng là khoảng thời gian mà chị nhớ mãi khi tham gia làm công tác phòng, chống dịch. Lúc đó khoảng đầu tháng 9/2021, khi mà người dân ra ngoài bắt buộc phải có giấy đi đường, chốt trực mà chị Hoa tham gia là một trong những điểm kiểm soát thuộc nút giao thông quan trọng Hà Nội liên các tỉnh.

Chuyện về những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch

Chị Nguyễn Thị Hoa - Cán bộ Văn hóa Thông tin phường Vĩnh Tuy đang hỗ trợ nhập dữ liệu xét nghiệm trong KĐT Times city khi có ca F0.

Chốt kiểm soát dịch chị Hoa trực ban đầu chỉ có 6 người, gồm: 2 cán bộ Ủy ban phường, 2 công an, 2 dân quân, sau đó được bổ sung thêm các đồng chí trên quận Hoàng Mai về hỗ trợ. Theo sự chỉ đạo, chị Hoa chủ yếu trực ở 2 chốt chính nằm dưới chân cầu vượt Vĩnh Tuy và chốt còn lại ở Kim Ngưu. Thời điểm đó, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người đi làm giảm hẳn nhưng mật độ tham gia giao thông vẫn khá đông. Nhất là tuyến đường Minh Khai - Cầu vượt Vĩnh Tuy còn có cả lưu lượng xe ở các tỉnh khác để phục vụ vận chuyển lương thực, các nhu yếu phẩm.

Chị Hoa vẫn còn nhớ: "Cơ quan chúng tôi trực 24/7 và sẽ được phân công trực ở các chốt kiểm soát dịch. Bắt đầu vào ca trực là 6 giờ sáng, tôi đã phải rời khỏi nhà thật sớm từ lúc 5 giờ. Hầu như ngày nào cũng đi làm tờ mờ sáng đến tận đêm, có hôm về được nhà sớm cũng đã 12 rưỡi đêm, 1 giờ sáng; đợt cao điểm cấp giấy đi đường có hôm về lúc 2-3 giờ sáng. Công việc quá nhiều, đi tiêm, đi phục vụ xét nghiệm, đi trực chốt nên về muộn là không tránh khỏi".

Khi chúng tôi hỏi về lý do bị ngất xỉu trong lúc tham gia chống dịch, cán bộ Văn hóa Thông tin phường Vĩnh Tuy kể: "Dịch bệnh căng thẳng, chế độ ăn uống thất thường, đa phần sáng chưa kịp ăn thì đã phải làm việc quần quật đến đầu giờ chiều. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ cho đội tiêm phòng, phục vụ xét nghiệm ở các địa bàn đến 2-3h sáng, làm nhiều quá, sức khỏe cũng không được đảm bảo, ít thời gian nghỉ ngơi, tôi bị ngất và phải đi cấp cứu. Vài tiếng sau khi được truyền nước, truyền canxi và thở oxy thì khoảng 3-4 tiếng là tỉnh hẳn. Nhưng cũng chỉ dám nghỉ thêm một chút, rút ống truyền là tôi lại lao đầu vào công việc".

Được biết, ở phường chị Hoa còn làm phát thanh và nhiều công việc liên quan khác nên cô gái sinh năm 1993 này không muốn nghỉ ngơi ngay cả khi bị ngất xỉu nhập viện. Đến nay, chị vẫn tràn đầy nhiệt huyết và vẫn xung phong đi trực chốt nếu Thành phố cần: "Đi chống dịch nhiều lúc cũng rất vui, khi chúng tôi trực chốt giao thông, người dân xung quanh rất quý; ngày nắng nóng được mời uống nước chanh, ăn chè của người dân mang đến cũng đã là một điều hạnh phúc sau chuỗi ngày vất vả".

Gác lại việc riêng để đi chống dịch

Ngoài lực lượng bảo vệ trực chốt kiểm soát dịch, cán bộ đoàn thanh niên cũng góp sức không nhỏ vào công tác chống dịch trên địa bàn Thành phố. Anh Bùi Công Thành - Bí thư đoàn phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) vẫn chưa từng quên những ngày Thủ đô có chỉ thị giãn cách xã hội, gần như đêm nào anh cũng phải thức đến gần sáng, phối hợp với lực lượng công an để xử lý những trường hợp di chuyển sai quy định đến địa bàn của phường.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thành nói: “Thời gian đó đi sớm về khuya gác tại nhiều chốt dịch. Vợ tôi là điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và vẫn đang tiên phong đi một đợt chống dịch nữa mà chưa biết ngày trở về. Con tôi vừa vào Tiểu học, không có người để kèm cặp mà cả 2 vợ chồng cùng đi chống dịch cũng đã đem lại áp lực ít nhiều”.

Chuyện về những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch
Anh Bùi Công Thành - Bí thư đoàn phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo anh Thành, trên địa bàn phường Phương Canh hiện nay cán bộ phường vẫn đang tập trung làm công tác truy vết, khoanh vùng và hướng dẫn cách ly, điều trị, không có nhiều công việc như đợt giãn cách xã hội; nhất là tập trung triển khai hoạt động của trạm y tế lưu động. Riêng đợt giãn cách, đội ngũ cán bộ cũng đã vận động hàng nghìn suất quà là các mặt hàng nhu yếu phẩm, phục vụ cho những người mắc kẹt tại Thành phố, nhất là những người không về được quê.

Anh Trần Văn Thắng - Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Châu (huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) cũng rất nhiệt tình tham gia hỗ trợ vận chuyển hơn 10 tấn rau củ quả, các nhu yếu phẩm cho nhiều hộ gia đình đang cách ly tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Chia sẻ về phần công việc của mình đã làm, anh Thắng chỉ cười và nói: “Lắm lúc về nhà tôi toàn phải ăn cơm sau vì công việc đi đêm về khuya, vận chuyển rau củ quả cho người dân, bán hàng hộ cho dân. Tôi vận động được hội viên và nhân dân ủng hộ rau củ quả và là người làm đầu tiên trong huyện thực hiện được ý tưởng này. Rau củ quả vận động cũng được mang lên huyện để tặng các xã khác, người dân còn thích ủng hộ nữa, nhờ đó mà tôi cảm thấy rất hạnh phúc và muốn tiếp tục với công việc hỗ trợ chống dịch”.

Cuộc chiến chống dịch Covid giờ bước sang một giai đoạn mới, nhưng những cán bộ phường vẫn làm công việc cũ là tham gia ngăn dịch Covid bùng phát. Họ là những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến này.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này